ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu đã tác động ngày càng rõ nét ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó đáng lo ngại là hiện tượng nước biển dâng, mặn xâm nhập sâu. Nhiều địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, do mực nước sông và mực nước nội đồng vào mùa lũ năm nay ở ĐBSCL xuống thấp nhất trong vòng 30 năm qua nên nước biển ngày càng dâng cao. Hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền trên các tuyến biển Đông và biển Tây Nam, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng…
Trước thực trạng trên, các Bộ, ngành chuyên môn cũng như các tỉnh ven biển đang tích cực triển khai Quyết định 667/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về củng cố, nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Minh (Kiên Giang), ông Võ Hoàng Việt cho biết, các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng rất mong công trình đê biển quốc gia Kiên Giang – Quảng Ngãi đi qua địa giới của huyện sẽ sớm hoàn thành. Tuyến đê sẽ không chỉ bảo vệ vùng đất canh tác của huyện An Minh mà còn giữ hệ sinh thái ngập úng của rừng tràm quốc gia U Minh Thượng bền vững, không bị xâm nhập mặn khi nước biển dâng cao.
Tại Cà Mau, trong năm nay tỉnh đã triển khai dự án chống sạt lở đê biển Tây Nam. Hiện nay, huyện U Minh đang nhanh chóng xây hệ thống cống mới toàn tuyến và chống sự sạt lở bất thường của đê biển Tây Nam.
Bên cạnh đó, các địa phương có tuyến đê đi qua đã nhanh chóng huy động nhân dân trồng lại rừng ven biển, rừng phòng hộ. Chẳng hạn, tại cửa Trần Đề huyện Long Phú chạy dài xuống huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và cửa Nhà Mát thị xã Bạc Liêu chạy dài xuống Gành Hào, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu)… các thảm rừng phòng hộ đã phát huy tác dụng rất lớn cho vùng đệm bảo vệ tuyến đê ven biển vững chắc hơn. Bên trong đê, nhân dân nuôi trồng và phát triển kinh tế ven biển rất trù phú…
Các khu rừng đước ngập mặn và rừng tràm ngập úng của ĐBSCL cũng đang được các địa phương xây dựng vùng rừng đệm dầy hơn để tạo vành đai rừng ven biển.
Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang Vương Hữu Tiến cho biết, tỉnh đã duyệt 40 tỷ đồng cho 99 công trình thủy lợi nạo vét kênh mương trữ nước xây hồ trữ ngọt, xây 15 đập tạm chống xâm nhập mặn để phục vụ trên 30.000 ha của vùng Tứ giác Long Xuyên.
Trà Vinh cũng đã huy động mọi nguồn lực, tập trung nạo vét hệ thống kênh mương, khai thông dòng chảy lấy nước từ thượng nguồn đổ về; gia cố lại hệ thống bờ vùng, bờ thửa, đê bao và đắp các cống đập ngăn mặn thời vụ…
Thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Để thích nghi với biến đổi khí hậu thất thường, hiện nay, các tỉnh ở ĐBSCL đang triển khai bố trí lại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với sự biến đổi khí hậu mà điển hình là mô hình lúa – tôm của huyện An Minh (Kiên Giang).
Huyện An Minh quy hoạch tổng thể lại cây trồng, vật nuôi như đất trồng lúa kết hợp với nuôi tôm, đất nhiễm mặn chuyên tôm và đất canh tác hai vụ lúa. Đặc biệt là huyện đã triển khai các giống lúa có khả năng chịu mặn cao để đối phó với xâm nhập mặn ngày càng sâu.
Tuy nhiên, mô hình lúa – tôm ở ĐBSCL, nhất là các huyện ven biển như An Minh phát triển chưa nhiều, ước tính có khoảng 100.000 đến 150.000 ha kết hợp một vụ lúa, một vụ tôm, trong khi đó tiềm năng mô hình này còn khả năng nhân rộng gấp nhiều lần.
Ngoài ra, các mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn ở các vùng đệm khu sinh quyển như huyện Năm Căn (Cà Mau) cũng đang được chính quyền quan tâm mở rộng.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao thì các tỉnh ven biển nên chọn tôm sú và các loài thuỷ sản sinh thái mặn làm chủ lực, còn vùng sinh thái ngập úng, nước ngọt như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… nên lấy cá da trơn làm chủ lực như: cá tra, cá ba sa…
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã quan tâm xây dựng những mô hình trồng trọt phù hợp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh định hình được những vùng sản xuất chuyên canh theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời phòng tránh hạn mặn, lũ lụt hiệu quả như gần 800 ha ớt chuyên canh, gần 4.500 ha bắp ăn tại các huyện phía Đông. Bắp ăn trồng trên chân ruộng cho lợi nhuận mỗi vụ gần 26 triệu đồng/ ha còn ớt cho lợi nhuận kỷ lục 80 – 85 triệu đồng/ha sau mỗi vụ sản xuất.
Tại vùng ven Đồng Tháp Mười và ngập lũ phía Tây, diện tích trồng luân canh lúa hè thu + dưa hấu + lúa đông xuân đã mở rộng lên gần 3.000 ha.
Mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh cũng vừa tuyển chọn nhân rộng 6 giống lúa có thể gieo sạ trong điều kiện bị khô hạn và mặn xâm nhập nhưng vẫn cho năng suất khoảng 7 tấn/ha…