ThienNhien.Net – Sáng 30/3/2011 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo đánh giá công tác tái định cư các công trình thủy điện ở Việt Nam do Viện Tư vấn Phát triển (CODE) chủ trì. Với câu hỏi đặt ra, cũng chính là tiêu đề hội thảo “Tái định cư trong các dự án thủy điện – Cuộc sống người dân có tốt hơn?”, sự kiện đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, phát triển.
Tham luận tại hội thảo đã chia sẻ các kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng và bài học rút ra từ công tác di dân tái định cư và ổn định sinh kế cho cộng đồng tại nhiều dự án thủy điện trên cả nước, bao gồm cả những dự án đã vận hành từ hàng chục năm nay như thủy điện Hòa Bình và những dự án vừa mới khởi động như Thượng Kon Tum.
Hội thảo nhìn nhận việc phát triển thuỷ điện thời gian qua đã góp phần quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Các chính sách liên quan đến tái định cư cho cộng đồng vùng bị ảnh hưởng bởi thủy điện cũng có nhiều cải thiện.
Tuy nhiên, cho tới nay, sau hơn 30 năm kinh nghiệm thực hiện di dân tái định cư cho Thủy điện Hòa Bình, công trình thủy điện đầu tiên và lớn bậc nhất của miền Bắc, cùng với hàng chục công trình thủy điện lớn và vừa khác, công tác “Hậu tái định cư” vẫn là vấn đề rất đáng quan tâm.
Tái định cư thủy điện nhìn chung chưa đạt được yêu cầu “đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ”, sự tham gia của cộng đồng còn nhiều hạn chế, vẫn mang tính áp đặt. Quy hoạch tái định cư trong thủy điện còn yếu, thiếu điều tra cơ bản. Yếu tố Văn hóa bản địa chưa được coi trọng đúng mức trong tái định cư và điều này có nguy cơ phá vỡ nền văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá của các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Hội nghị đã kết thúc với một số đề xuất cho công tác tái định cư thủy điện: 1.) Cần nhìn nhận “Hậu tái định cư” như những chương trình dài hạn, 5-10 năm hoặc thậm chí dài hơn; 2.) Trong công tác ổn định sinh kế cho cộng đồng tái định cư, cần chú trọng vấn đề đất đai, không những đền bù và hỗ trợ đất đai đủ về số lượng mà phải đảm bảo về chất lượng giúp bà con ổn định sản xuất, kết hợp với đầu tư thích đáng vào chuyển đổi nghề nghiệp, khuyến khích phát triển nông lâm nghiệp; 3.) Tái định cư phải gắn với sự tham gia của cộng đồng, sự phối hợp tích cực của các ban ngành; 4.) Các nhà đầu tư phải có trách nhiệm giúp dân ổn định cuộc sống lâu dài, trên cơ sở áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được Chính phủ phê duyệt.