ThienNhien.Net – Một cuộc họp lịch sử giữa các nhà khoa học và lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã được diễn ra từ ngày 13 – 20/3 tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc nhằm thống nhất các biện pháp phục hồi sinh cảnh sống duy nhất cho loài vượn Cao Vít cực kỳ nguy cấp tại khu vực biên giới Việt – Trung.
Cuộc họp đã đạt được một thỏa thuận quan trọng trong hoạt động bảo tồn vượn Cao Vít, đó là việc hai bên thống nhất kí “Biên bản hợp tác triển khai công tác bảo tồn loài vượn Cao Vít và môi trường sống liên biên giới Việt – Trung”. Thỏa thuận thể hiện sự tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia và chính quyền hai tỉnh Quảng Tây – Cao Bằng, trong đó, hai bên nhất trí thực hiện cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin qua các cuộc họp giao ban định kì hàng năm ở cấp huyện hai tỉnh và hàng quí giữa đội tuần rừng của hai khu bảo tồn hai nước.
Ngay sau hội thảo, các đại biểu đã có chuyến thăm mô hình trình diễn về phục hồi rừng trên núi đá vôi karst do Viện Thực vật Quảng Tây quản lí. Tại đây, nhiều giải pháp và thử nghiệm nhằm phục hồi rừng đã được thực hiện trong suốt thập niên qua. Kết quả từ những cuộc thử nghiệm này đang và sẽ được áp dụng trong việc phục hồi sinh thái rừng cho vượn Cao Vít. Hoạt động phục hồi và cải thiện hệ sinh thái không chỉ giúp bảo vệ quần thể vượn Cao Vít đang bị đe dọa nghiêm trọng mà còn góp phần bảo tồn hệ động thực vật độc đáo, đa dạng của khu vực rừng núi biên giới phía Đông Bắc Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Được biết, từ năm 2003, Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế (FFI) đã tăng cường hợp tác, hỗ trợ chính quyền tỉnh Cao Bằng trong việc triển khai các hoạt động bảo tồn dựa vào cộng đồng nhằm bảo vệ quần thể Vượn hiện chỉ còn hơn 100 cá thể khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Thách thức lớn nhất hiện nay là phải đảm bảo quần thể Vượn được tiếp tục tăng trưởng và những vùng rừng bị suy thoái xung quanh hệ sinh cảnh của chúng phải được phục hồi và phát triển.
Hiện FFI đã phối hợp với Hiệp hội Bảo tồn Con người và Tài nguyên hình thành một nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Trung Quốc cùng một số chuyên gia về Vượn thuộc nhiều lĩnh vực sinh học, thực vật học và phục hồi sinh cảnh trên karst – địa hình dễ bị thất thoát nguồn nước và chất lượng đất kém, thậm chí dễ bị sa mạc đá hóa nếu nạn phá rừng tiếp tục gia tăng và thảm thực vật rừng tiếp tục bị suy thoái. Những can thiệp cấp bách và tích cực nhằm phục hồi vùng rừng ở khu vực này vì thế trở nên cần kíp và quan trọng.
Bài và ảnh: Nguyễn Bích Hà (FFI)