3 loài chuồn chuồn cánh màu mới ở Xuân Sơn

Loài Rhinocypha arguta Hämäläinen & Divasiri, 1997.

ThienNhien.Net – Trong thời gian gần đây, kết quả điều tra về khu hệ chuồn chuồn ở Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) của các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Leiden, Hà Lan đã thu được kết quả đáng kinh ngạc. Theo đó, ghi nhận có tới 13 loài chuồn chuồn cánh màu (demoiselles) trong các khu rừng thuộc xóm Lấp và xóm Cỏi của xã Xuân Sơn. Đặc biệt, trong số đó phát hiện được 3 loài mới, bao gồm hai loài ghi nhận mới cho khu hệ Việt Nam (loài Rhinocypha argutaVestalaria miao) và một loài mới (giống Matrona) cho khoa học đang được công bố.

Chuồn chuồn cánh màu là một trong những nhóm chuồn chuồn gồm nhiều loài quý hiếm, sinh sống trong những khu vực rừng ít bị tác động bởi con người; cơ thể và cánh thường có màu sắc rất đẹp. Việc phát hiện với số lượng lớn các loài chuồn chuồn cánh màu trong cùng một khu vực cho thấy, ngoài tính đặc hữu và đa dạng cao về đa dạng sinh học, rừng quốc gia Xuân Sơn còn được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, ít chịu sự tác động của con người. Công trình được công bố trên tạp chí tạp chí quốc tế IDF (International Dragonfly Fund) năm 2011, số 32.

Vườn quốc gia Xuân Sơn, thuộc huyện Tân Sơn của tỉnh Phú Thọ là một trong những khu vực ở miền Bắc Việt Nam có sự phong phú và tính đặc hữu cao về đa dạng sinh học. Ngoài những loài chuồn chuồn mới phát hiện tại đây, nhiều loài động thực vật quý hiếm cũng liên tục được phát hiện trong những năm qua ở khu vực này, như chuối bạc hà (Snow banana), cá cóc sần (Tylototriton asperrimus), cá anh vũ (Semilabeo notabilis)…

 

Loài Vestalaria miao (Wilson & Reels, 2001).

Bởi vậy, trong thời gian tới, cần thiết phải có nhiều khảo sát nghiên cứu hơn nữa về khu hệ động thực vật nói chung ở khu vực này, nhằm phục vụ cho các mục đích nghiên cứu và bảo tồn.