ThienNhien.Net – Hiện tượng băng tan ở Bắc Cực được coi là nguyên nhân cho cuộc di cư lạ lùng của một số loài động vật phía Nam tới Bắc cực. Sự xuất hiện của các loài động vật này cũng đồng thời mang theo nhiều nguy cơ từ sự phát tán mầm bệnh và quá trình lai giống.
Dịp hè năm ngoái, nhà khoa học John England trong khi bay ngang qua Bắc Cực đã tình cờ phát hiện một chú gấu xám mải miết kiếm mồi gần hòn đảo nhỏ thuộc biển Beaufort, cách không xa biên giới Alaska -Yukon. Một tuần sau đó, ông tiếp tục phát hiện những dấu vết dẫn đến hang của chú gấu. Điều này cho thấy, gấu xám không hề có ý định quay trở lại lãnh địa cũ.
Sự xuất hiện của gấu xám trong lãnh địa của gấu trắng Bắc cực thật khó lý giải. Đặc biệt, trong khoảng 20 năm trở về trước, sự xuất hiện của loài này ở Bắc cực được xem là điều vô cùng hiếm hoi. Nhiều nhà sinh học từng phỏng đoán, có thể gấu đã bị lạc quá xa khi di chuyển theo loài tuần lộc. Tuy nhiên, những giả định đã bắt đầu thay đổi khi ngày càng có nhiều gấu nâu và một vài loài động vật khác như cáo đỏ, hươu đuôi trắng, cá hồi Thái Bình Dương và cá voi sát thủ xuất hiện trong các lãnh địa truyền thống của gấu Bắc cực, cáo Bắc cực, tuần lộc, cá hồi và cá voi Bắc cực.
Ngày nay, hầu hết các nhà khoa học tin rằng, tác động của biến đổi khí hậu khiến Bắc cực ấm lên nhanh hơn bất cứ nơi nào trên trái đất và là nguyên nhân chính phá hủy các lớp băng dày đặc – vốn giúp mùa đông kéo dài và ngăn cản việc di cư của các loài động vật ở phía Nam tới vùng cực Bắc.
Hình thành nhóm sinh vật lai
Ban đầu, người ta lo ngại rằng một số loài động vật ở Bắc cực sẽ không thể cạnh tranh với những người anh em cùng họ ở phía Nam. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra, cáo Bắc cực có ít ưu thế hơn trong cuộc cạnh tranh với cáo đỏ. Bằng chứng mang tính giai thoại tại một số khu vực Bắc cực – bao gồm cả một video từ mỏ dầu Prudhoe Bay thuộc Alaska cũng cho thấy, một con cáo Bắc cực đã bị một con cáo đỏ giết chết.
Thông tin từ những thợ săn người Inuit trong nhiều năm tiếp tục khẳng định, cá heo sát thủ đã ăn thịt cá voi Bắc cực và kỳ lân biển. Tuy nhiên, sự giao thoa giữa các loài không chỉ dừng lại ở cuộc đấu tranh sinh tồn mà còn là việc sản sinh ra các thế hệ lai mới.
Các nhà khoa học hiện nay quan ngại rằng quá trình giao phối giữa các loài di cư và loài bản địa sẽ tạo ra những sinh vật lai giảm bớt những gen đặc trưng vốn giúp các loài bản địa Bắc cực thích nghi với môi trường đầy khắc nghiệt của vùng băng đá.
Trên thực tế thì điều này đã xảy ra và một bằng chứng được ghi nhận vào năm 2006 khi một tay thợ săn người Mĩ “chộp” được một con gấu vốn được lai từ gấu cái Bắc cực và gấu đực xám. Con gấu này có sự kết hợp các đặc điểm của cả hai loài như sự pha trộn màu lông ở phần thân và phần chân, hình dạng gấu gần giống gấu xám nhưng móng vuốt thì dài hơn gấu Bắc cực.
Ông Kelly, Phó Giám đốc Trạm Khoa học Bắc Cực băn khoăn, liệu kiểu lai này có xảy ra ở các loài khác. Ông cho biết, các loài động vật biển có vú như hải cẩu, hải mã và sư tử biển thường có xu hướng lai giống vì chúng có cùng số lượng nhiễm sắc thể.
Trong một bài báo gần đây đăng trên Tạp chí Nature, Kelly và hai đồng nghiệp cũng đã đưa ra bằng chứng về việc lai giống giữa loài hải cẩu Bắc cực và chó biển lớn, cá voi Bắc cực và kỳ lân biển, và rất có thể là giữa cả cá voi Bắc Thái Bình Dương Eubalaena japonica và cá voi đầu bò Balaena mysticetus. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng bởi hiện nay chỉ còn lại vài trăm cá thể Eubalaena japonica trên thế giới. Kelly và các đồng nghiệp khẳng định, nhiều loài trong số ít nhất 22 loài động vật biển ở Bắc cực hiện đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng từ chính việc lai giống.
Theo Kelly, các loài động vật đang thích nghi với biến đổi khí hậu, song kiểu thích nghi này đòi hỏi có thời gian để thay đổi gen cũ bằng các gen phù hợp với khí hậu thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi quá nhanh tại Bắc cực dường như khiến kể cả các loài động vật sống lâu như cá voi, hải cẩu và gấu Bắc cực không có cơ hội thích nghi kịp.
Cũng theo Kelly, vai trò của biển băng ở Bắc cực cũng tương tự như vai trò của Nam Mỹ trong việc phân cách thế giới thành hai đại dương lớn. Hàng chục triệu năm qua, lục địa này đã là hàng rào ngăn cản việc phát tán dòng gen giữa Nam Đại Tây Dương và Nam Thái Bình Dương. Thử tưởng tượng Nam Mỹ biến mất sẽ thấy được những tác động khi biển băng ở Bắc cực không còn. Biển băng là một rào chắn lớn ngăn cản các loài động vật biển di cư từ nơi này sang nơi khác, nó cũng đồng thời là vùng cư trú quan trọng của nhiều loài động vật ở Bắc cực. Việc mất dần các biển băng như hiện nay vì thế sẽ dẫn đến nhiều những tác động tiêu cực không chỉ đối với môi trường mà còn với cả các loài động vật.
Mối lo ngại phát tán mầm bệnh
Hệ lụy của các cuộc di cư từ Nam địa cầu tới vùng cực Bắc xa xôi không chỉ tạo ra các nguồn gen lai phong phú mà còn làm tăng thêm mối lo ngại phát tán những mầm bệnh kỳ lạ mà bản thân các loài thú biển ở Bắc cực không có khả năng miễn dịch.
Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận từ một vài năm trước khi các nhà khoa học Canada tiến hành theo dõi sự lây lan của bệnh giun xoắn kí sinh ở vùng Bắc cực. Loại bệnh này thường xuất hiện ở gấu và cáo Bắc cực nhưng chúng ít được quan tâm cho đến những năm 1980 khi căn bệnh bắt đầu lan sang loài hải mã và những người ăn thịt hải mã sống. Mùa thu năm ngoái, căn bệnh này đã xuất hiện tại một ngôi làng ở Nunavut thuộc khu vực phía Bắc Canada, gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa của con người, thậm chí một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Nhà sinh vật học Ole Nielsen (Cục Nghề cá và Đại dương Canada) là người được giao nhiệm vụ theo dõi sự lây lan của căn bệnh này, đồng thời ông cũng tiến hành phân tích các mẫu thịt thu được từ thợ săn để xác định các dịch bệnh khác liên quan. Ông đã sớm tìm thấy bằng chứng của bệnh sốt Địa trung hải, một căn bệnh do vi khuẩn gây nên – đôi khi còn được tìm thấy ở gia súc, động vật hoang dã, chó và cả người. Căn bệnh này được cho là có liên quan đến sự sinh nở bất thành ở cá heo và cá voi tấm sừng hàm (Baleen whales).
Nielsen cũng cho biết, đây là căn bệnh phổ biến trong môi trường biển, do vậy không hẳn chỉ xuất hiện riêng tại Bắc cực. Điều đáng ngạc nhiên là căn bệnh này đã lây lan từ khi ông bắt đầu lấy mẫu nghiên cứu ở Bắc cực cách đây hơn hai thập kỷ trước. Tại thời điểm hiện tại, ông đã xác định được mầm bệnh trong 21% số mẫu, tăng 4 lần so với nghiên cứu từ năm 1980.
Mối quan ngại càng lớn hơn khi các nhà khoa học tiếp tục phát hiện cá voi Bắc cực và kỳ lân biển không hề có kháng thể chống lại virus sài sốt hải cẩu (phocine distemper virus). Đây là loại vi rút rất nguy hiểm, được phát hiện trong môi trường biển vào năm 1988 khi nó giết chết 20.000 con hải cẩu ở Tây Bắc Âu. Từ đó, bệnh lan sang cả hải cẩu ở Hồ Baikal (Nga), cá heo sọc vằn ở Mediterraneam thuộc Địa Trung Hải và một số loài động vật biển có vú khác trên toàn thế giới.
Cũng không ai biết vì sao căn bệnh này lại xâm nhập vào đại dương bởi nó có liên quan chặt chẽ đến bệnh sài sốt chó (Canine distemper) – vốn có nguồn gốc từ đất liền. Nielsen cho biết, có rất nhiều điều chúng ta còn chưa rõ về cách thức lây nhiễm căn bệnh này cho loài kỳ lân biển và cá voi Bắc cực. Nếu bệnh tiếp tục lan rộng, tình hình sẽ trở nên vô cùng nghiêm trọng.
Brendan Kelly thừa nhận, không có một giải pháp dễ dàng đối với những gì đang xảy ra. Việc chọn lọc các giống lai như một số nước đang làm sẽ khó thực hiện trong một môi trường lớn và khắc nghiệt như Bắc cực. Kelly đề xuất nghiên cứu một cách cẩn thận các mẫu thịt của các loài động vật biển có vú từ thợ săn để theo dõi và đánh giá rõ hơn sự lây lan của các loài vi rút nguy hiểm khác nhau.