ThienNhien.Net – Thế giới hiện có hàng chục lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại các khu vực có nguy cơ động đất, trong đó có ít nhất 14 nhà máy nằm trong các khu vực nguy hiểm, theo một phân tích của Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall).
Hầu hết các nhà máy nói trên đều nằm ở Nhật Bản và Đài Loan – hai hòn đảo với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế đã buộc phải lựa chọn cách đối đầu với các rủi ro hạt nhân để tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn năng lượng nước ngoài.
Dựa vào vị trí của hơn 400 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và 100 lò phản ứng khác đang được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng trên toàn cầu, kết hợp với số liệu của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới và dữ liệu của Chương trình Nguy cơ Địa chấn Toàn cầu, Wall Street Journal đã xác định nguy cơ động đất tại các nhà máy hạt nhân trên thế giới.
Theo đó, phân tích cho thấy có 48 lò phản ứng đang hoạt động, chiếm 11% số lò hạt nhân của thế giới, đang nằm ở khu vực ít nhất có hoạt động động đất ở mức nhẹ. Số này bao gồm cả lò phản ứng Fukushima Daiichi hiện đang ở tâm điểm của cuộc khủng hoảng hạt nhân Nhật Bản. 14 lò phản ứng, chiếm 3%, đang nằm trong khu vực hoạt động địa chấn tích cực. 10 lò phản ứng trong số này nằm gần bờ biển, khiến nó phải đối mặt với nguy cơ kép từ cả động đất và sóng thần.
Trong số 14 lò phản ứng nằm ở khu vực có hoạt động địa chấn cao, Nhật Bản và Đài Loan chiếm 10; Mỹ có 2 lò; Slovenia chiếm 1 lò; Armenia có 1 lò đang hoạt động và 1 lò đã được lên kế hoạch.
Ngành công nghiệp hạt nhân vẫn thường tuyên bố rằng các lò phản ứng trên toàn thế giới được xây dựng để chống chịu các trận động đất mạnh nhất có thể xảy ra ở mỗi địa điểm, cộng thêm yếu tố an toàn dự phòng trong trường hợp sai số trong các dự báo. Song trên thực tế, nhà máy Fukushima Daiichi ở Nhật Bản dường như đã sống sót nguyên vẹn sau trận động đất mạnh tuần trước, để rồi sau đó lại trở thành nạn nhân từ chính hậu quả của động đất.
Trong số hơn 100 lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ, chỉ có hai lò phản ứng ở nhà máy hạt nhân Diablo Canyon trên bờ biển California đang ở trong khu vực hoạt động địa chấn tích cực. Nhà máy Bay Humboldt trên bờ biển phía Bắc của California đã bị đóng cửa năm 1976 do lo ngại động đất nhưng vẫn giữ một số nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại đây.
Kory Raftery, một phát ngôn viên của cơ quan vận hành lò phản ứng Diablo Canyon, cho biết nhà máy được thiết kế để chịu một trận động đất 7,5 độ richter trên các đoạn đứt gãy gần San Andreas. Song có một số đứt gãy khác ít được biết đến hơn thậm chí còn ở vị trí gần nhà máy hơn, bao gồm cả đoạn đứt gãy dưới bán kính một dặm đã được phát hiện trong năm 2008. Theo các nhà vận hành, các lò phản ứng đã được thử nghiệm để chịu được chấn động dự kiến từ những đứt gãy này.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đôi khi đã đánh giá thấp sức mạnh của các trận động đất. Và trên thực tế, trận động đất tấn công Nhật Bản đã mạnh hơn 10 lần sức chịu đựng được thử nghiệm của nhà máy Daiichi. Năm 2007, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới Kashiwazaki-Kariwa của Nhật Bản cũng đã bị hư hại sau khi hứng chịu một trận động đất mạnh hơn mức thiết kế.
Các nhà hoạt động phản đối năng lượng hạt nhân ở Nhật Bản từ lâu cũng đã cảnh báo rằng các lò phản ứng của nước này dễ tổn thương trước động đất hơn mức mà các nhà vận hành và quản lý thừa nhận.
Năng lượng hạt nhân cũng là đề tài gây tranh cãi tại Đài Loan, nơi mà tất cả bốn lò phản ứng hiện tại của hòn đảo này được xây dựng gần các đoạn đứt gãy chính, chưa kể tới hai lò phản ứng đang được xây dựng gần các thành phố đông dân Taipei và New Taipei.
Theo cuộc thăm dò thực hiện hôm thứ hai tuần trước tại Đài Loan, bốn ngày sau khi trận động đất 9,0 độ richter và cơn sóng thần tàn phá Nhật Bản, 55% số người được hỏi cho biết cảm thấy thiếu tin tưởng vào các cơ sở hạt nhân trên hòn đảo này.
Hội đồng Năng lượng Nguyên tử, cơ quan quản lý hạt nhân của Đài Loan, cho biết tất cả các nhà máy của họ đều được xây dựng để chịu được động đất cường độ trên 7 richte và các trận sóng thần cao 12 đến 15m. Cả cơ quan này và cơ quan Năng lượng đài Loan, đơn vị vận hành nhà máy, đều cam kết sẽ nhanh chóng thực hiện các giải pháp tăng cường các giới hạn an toàn nếu cần thiết.
Còn theo các chuyên gia năng lượng, sẽ rất khó khăn để Nhật Bản và Đài Loan rút khỏi điện hạt nhân bởi vì đó là cách để họ đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu khí và than đá.
Bạch Dương (Theo Wall Street Jounal, 19/03/2011)