ThienNhien.Net – Ngày càng có nhiều bằng chứng khẳng định mối liên đới giữa hiện tượng sông băng tan chảy và xa hơn là câu chuyện về biến đổi khí hậu với sự gia tăng thảm họa thiên nhiên trên toàn cầu. Các nhà địa chất học mới đây tiếp tục tái khẳng định quan điểm này khi cho rằng sự tan chảy của các dòng sông băng là nguyên nhân thúc đẩy các thảm họa động đất, sóng thần và núi lửa ở những nơi bất ngờ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, khối lượng riêng của băng rất nặng, khoảng một tấn trên mỗi mét khối và các dòng sông băng thường được ghép từ những khối băng lớn. Khi là một thể thống nhất, các sông băng gây áp lực rất lớn lên bề mặt trái đất. Nhưng khi chúng bắt đầu tan chảy do ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu – như điều vẫn đang diễn ra thì áp lực giảm dần và cuối cùng là sự nứt tách hoàn toàn.
Theo các nhà địa chất học, sức ép lên bề mặt trái đất sẽ gây ra tất cả các loại phản ứng địa chất như động đất, sóng thần (gây ra bởi các trận động đất dưới đáy biển) và hiện tượng phun trào núi lửa. Nhà địa chất học Patrick Wu thuộc Đại học Alberta, Canada cho biết, các loại trọng lượng giúp ngăn chặn đáng kể thảm họa động đất nhưng một khi băng tan thì động đất sẽ được kích hoạt.
Cũng theo Giáo sư Wu, sự tan chảy các khối băng ở Nam Cực đã gây ra không ít các trận động đất và lở đất dưới nước. Những hiện tượng này tuy chưa nhận được nhiều chú ý nhưng chúng chính là dấu hiệu cảnh báo sớm cho những hậu họa nghiêm trọng mà các nhà khoa học tin rằng sẽ xảy ra. Giáo sư Wu khẳng định, hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ tạo ra rất nhiều trận động đất.
Phát biểu trên Tạp chí New Scientist, Giáo sư tai biến địa chất Bill McGuire thuộc Đại học College London, Anh cũng nhấn mạnh, tất cả những bằng chứng trên thế giới vẫn tiếp tục khẳng định tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tần suất các trận động đất, núi lửa và thảm họa sạt lở dưới đáy biển.
Hồng Ngọc (Theo Environment)