Hội nhập nhiều hơn với APF7

ThienNhien.Net – Theo thông tin từ Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Indonesia – quốc gia hiện đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN – sẽ là nước chủ nhà tổ chức Diễn đàn Nhân dân ASEAN năm 2011 (APF7). Diễn đàn sẽ chính thức diễn ra từ ngày 3 đến 5/5/2011 tại thủ đô Jakarta.

Tại hội nghị trù bị cho Diễn đàn được tổ chức tại Jakarta đầu tháng 3, các thành viên đã thống nhất được 6 mục tiêu lớn cho Diễn đàn APF7, gồm: 1.) Thống nhất tập trung đảm bảo và tăng cường sự gắn kết Diễn đàn với khối ASEAN; 2.) Kêu gọi các nhà lãnh đạo và chính phủ các nước ASEAN thúc đẩy một ASEAN thực sự hướng về nhân dân; 3.) Đề xuất lên lãnh đạo cấp cao ASEAN các yêu cầu từ các phong trào nhân dân và nỗ lực của các tổ chức xã hội trong khu vực; 4.) Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và xây dựng đoàn kết, thống nhất và hợp tác nhân dân Đông Nam Á trong tiến trình xây dựng cộng đồng; 5.) Chia sẻ các bài học từ thành công cũng như thất bại trong quá trình vận động gắn kết ASEAN; 6.) Đẩy mạnh đấu tranh nhân dân theo hướng kết hợp hành động và tăng cường đoàn kết giữa các đối tác, ở cấp quốc gia và khu vực.

Hội nghị cũng đã bước đầu đề xuất được 17 chủ đề sẽ được bàn luận tại Diễn đàn, xoay quanh các vấn đề về: Tài nguyên thiên nhiên, người dân tộc thiểu số, giới và quyền phụ nữ, biến đổi khí hậu, quyền trẻ em, người khuyết tật, thúc đẩy dân chủ, thanh niên, tự do dân sự, di cư, lao động, cải cách nông nghiệp, công lý môi trường, xung đột vũ trang… Các chủ đề sẽ tiếp tục được bổ sung, góp ý đến ngày 15/3.

Cũng như truyền thống từ các Diễn đàn trước đây, các chủ đề sẽ được các tổ chức dân sự hoạt động trong cùng lĩnh vực nhóm họp và triển khai dưới dạng các hội nghị bên lề. Trong cuộc họp chia sẻ thông tin và lấy ý kiến cho công tác chuẩn bị của đoàn Việt Nam diễn ra ngày 9/3, nhiều tổ chức đã góp ý chỉnh sửa một số chủ đề, đáng lưu ý trong số các ý kiến này là đề xuất cần phải đưa ra bàn luận vấn đề phát triển đập thủy điện trên sông Mê Kông và tác động đến vùng hạ lưu. Đây là vấn đề đang được các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường khu vực bàn luận rất sôi nổi và đấu tranh tích cực.

Một trong những nỗ lực cần được ghi nhận của ban tổ chức lần này là quyết định thành lập thêm hai tiểu ban Giao Tế (chuyên trách công tác giao tiếp với các nhà lãnh đạo) và Báo chí.

Đoàn Việt Nam sẽ tham gia như thế nào?

Đối với nhiều tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam, Diễn đàn Nhân dân ASEAN còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, qua việc tổ chức Diễn đàn năm 2010, Việt Nam đã hội nhập nhanh và tích lũy được nhiều kinh nghiệm tham gia và tổ chức Diễn đàn.

Sau cuộc gặp mặt khởi động APF7, đoàn Việt Nam đã nhanh chóng thống nhất được nhóm điều phối gồm 8 thành viên, bước đầu xác định được các chủ đề quan tâm và có được các thành viên trong nhóm tổ chức.

So với năm trước, công tác chuẩn bị năm nay tại Jarkata chỉ kéo dài bằng già nửa thời gian, trong khoảng hơn hai tháng. Vì vậy, mọi công việc diễn ra cấp tập và các tổ chức nhân dân tham gia cũng có ít thời gian chuẩn bị hơn. Điều này cũng đặt ra đối với đoàn Việt Nam, đòi hỏi các tổ chức chủ động và tích cực bám sát công tác chuẩn bị của quốc gia chủ nhà.

Bên cạnh chuyến khảo sát thực tế ngày 2/5, trong vòng 3 ngày tiếp theo sẽ là phiên họp chính thức của Diễn đàn cùng hàng chục hội thảo, hội nghị bên lề diễn ra dồn dập. Đây sẽ là một thách thức cho đoàn Việt Nam vì ngoài việc thu hút các tổ chức, đoàn thể trong nước quan tâm và tham gia sẽ phải lựa chọn những đại diện ưu tú, phản ánh được nguyện vọng của người dân Việt Nam và tinh thần của các phong trào nhân dân trong nước. Việc phối hợp giữa các thành viên cũng sẽ vô cùng quan trọng để có thể tận dụng tối đa được hiệu quả của Diễn đàn, trong một khuôn khổ nguồn lực hạn chế, cả về tài chính và con người.


Vì một ASEAN hướng về nhân dân

APF 2010 và 17 khuyến nghị cho ASEAN