ThienNhien.Net – Trải qua gần 600 năm tuổi, mặc cho những biến cố thăng trầm của lịch sử, của tạo hóa và sự vật đổi thay, cây dã hương cổ thụ vẫn nằm sừng sững trên mảnh đất thuộc thôn Dương Phạm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Sự có mặt của “vị đại lão mộc tinh” này đến nay đã hé lộ biết bao câu chuyện kì bí về truyền thuyết, chứng tích của một làng quê thanh bình, yên ả.
Từ truyền thuyết về Nhị Phi cung tần của vua Lê
Xưa kia mảnh đất thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân nằm sát ngay bên bờ sông vốn có tấp nập tàu bè qua lại buôn bán, trao đổi. Đời sống nhân dân trong vùng lúc bấy giờ ấm no, chan hòa, hạnh phúc. Chuyện kể rằng vào năm 1449 trong thôn có đôi vợ chồng nghèo Nguyễn Thị Hoằng và Ngô Công Tước sinh được một người con gái đặt tên là Ngô Nữ Thị Hoằng. Ngô Nữ sinh ra trong một gia đình nghèo nên không được đi học nhưng ở thiếu nữ này lại hội tụ đầy đủ trí tuệ thông minh, tài sắc và đức độ ven toàn.
Vào năm 1468, trong một lần vua Lê Thánh Tông về thôn Dương Phạm để thị sát công trình đê điều, thủy lợi và chăm lo đời sống cho nhân dân. Tình cờ cũng vào một buổi trưa hè năm đó Ngô Nữ Thị Hoằng đi bắt cua, khi giỏ cua đã đầy thiếu nữ ngồi nghỉ rồi xuống tắm và cất cao tiếng hát trên dòng sông. Đúng lúc này vua Lê Thánh Tông ngồi thuyền đi qua nghe thấy tiếng hát say đắm nên đã đem lòng yêu mến thiếu nữ. Lúc trên trời xuất hiện đám mây đen che kín một khoảng lớn trên đầu, vua cho đây là hiện tượng lạ. Vương vấn tài, sắc, tài ứng khẩu đối đáp thông minh lanh lợi của nàng, vua Lê Thánh Tông hẹn ngày quay lại làng Dương Phạm và đón cô về kinh thành. Đúng như lời hứa, sau một thời gian nhà vua đã cho quân lính về đón nhưng thiếu nữ nhất quyêt không đi. Cuối cùng nhà vua đành phải cho quân lính bắt bà về cung, bà khóc rất nhiều vì không muốn xa quê hương, xa cha mẹ của mình.
Trên thế giới hiện còn lại ba cây dã hương quý hiếm thì ở Việt Nam đã có được hai, một ở Bắc Giang và một ở Nam Định. Các nhà khoa học cất công sang tận Trung Quốc để tìm hiểu về xuất xứ loài cây này nhưng không đâu có được nhiều đặc điểm quý như “đại lão mộc tinh” ở nước ta. Dã hương là loài cây quý hiếm, được dân gian gọi với nhiều tên khác nhau như: mộc tinh, cụ dã, lão mộc, linh mộc… |
Vào cung bà được nhà vua phong làm Nhị phi cung tần. Nhưng cuộc đời thật ngắn ngủi, bà chỉ ở trong cung được 3 năm, năm 1471 Nhị phi cung tần lâm bệnh rồi qua đời. Trước lúc lâm chung bà có ước muốn an táng về nơi đất mẹ. Chiều theo ý nguyện, vua Lê Thánh Tông đã đồng ý đưa thi hài bà về quê an táng. Như một quan niệm về tâm linh người phụ nữ có 9 vía, vì thế nhà vua đã cho mang theo 9 cỗ quan tài, 9 chiếc thuyền chở đồ đạc và cát, đá xanh để xây mộ. Khi mộ chưa kịp xây thì bỗng dưng một trận giông bão ập tới, dân làng Dương phải làm nhà tạm để che chở thi hài bà. Qua một đêm, khu đất nơi đặt quan tài của bà đã đùn lên một tổ mối to. Những người xây mộ bèn chở đá cuội đổ lên 9 chiếc quan tài và trồng bên cạnh một cây mộc hương để về sau cho con cháu biết và nhớ đến bà. Ngày đó dân trong thôn không ai biết chính xác tên gọi của loài cây này.
Đến chuyện kỳ bí xung quanh “đệ nhất” đại lão mộc
Sau khi an táng xong Nhị phi cung tần, nhà vua chu cấp tiền bạc để xây miếu và chùa Phúc Linh Tự ngay trong khu vườn ở gần mộ và cho trồng 2 cây thị ở ngôi miếu nhưng chỉ sống lại một cây và có tuổi đời như cây dã hương ngày nay.
Tương truyền rằng khi Nhà Bà (tên dân làng thường gọi bà Ngô Nữ Thị Hoằng) thiển thánh rất linh thiêng. Hễ trâu bò và trẻ nhỏ xâm hại đến mộ là y như rằng đều bị bà phạt. Trẻ nhỏ thì bà làm cho mất ngủ, khóc đêm, còn gia súc, gia cầm thì bỏ ăn mấy ngày. Muốn khỏi thì phải ra cầu khấn xin bà mới khỏi. Tuy nhiên, đấy chỉ là những lời truyền miệng của các cụ bô lão trong làng. Miếu Nhà Bà lúc xây quay mặt về hướng Bắc, nhưng thời gian này không hiểu vì sao dân trong làng làm ăn thất bát, mất mùa, đói kém. Nghĩ đến Nhà Bà, dân làng làm lễ xin Bà quay miếu sang hướng Nam. Từ khi thay đổi hướng miếu đời sống ngày một hưng thịnh hơn. Theo đó xưa kia làng có tên là Tài Long, sau làm ăn phát đạt đổi thành làng Ngõ Phát.
Nói về cái cây lớn ở mộ Nhà Bà thì không một ai biết chắc chắn đó là cây gì. Dân làng chỉ biết đó là cây đại thụ che bong mát cho cả một góc làng. Mùa hoa nở, một mùi hương dễ chịu ngào ngạt, phảng phất khắp đầu thôn cuối xóm ai cũng muốn ngửi. Các cụ cao niên trong làng kể lại, mỗi khi cảm cúm, hay nhức đầu, trẻ con bị nổi mận ngứa, lên sởi người làng thường ra lấy lá hoặc vỏ cây đem về đun nước xông và tắm rất nhanh khỏi. Cách đây vài chục năm về trước, một trận bão đi qua đã làm gãy mất một cành cây to của cây dã hương, thấy vậy một số người dân trong thôn đem về nhà làm ghế ngồi, làm giường làm các vật dụng khác và đem gỗ dã hương đun nấu. Một mùi hương thơm bốc lên từ bếp, thấy vậy nhiều người đã tự ý mang những vật dụng làm từ gỗ cây đó ra trả về chỗ cũ.
Trong câu chuyện của các cụ già trong thôn kể rằng, miếu Nhà Bà ngày trước có một đôi rắn, một trong 2 con rắn đó có mào đỏ chót nên ai cũng cho rằng đó là đôi rắn thần bảo vệ cây nên dân làng không ai dám xâm phạm. Chuyện đôi rắn có thể được hình tượng hóa, nhưng những chuyện lạ lùng xẩy ra xung quanh gốc cây dã hương thì điều này chưa có ai lý giải được. Trường hợp Nguyễn Văn Thành là người trong thôn có lần chót dại cầm đá ném con chim trên cành cây, hòn đá vừa rời tay thì anh cũng gãy tay luôn dù không va chạm vào đâu cả. Hoặc chuyện con rể ông trưởng xóm trước kia leo lên cây chặt ba cành to về bán, đúng ba năm sau đi xe máy đâm vào gốc cây mà tử nạn. Rồi vào năm 1984, ông chủ tịch xã ra oai đứng dưới gốc cây mà bắn hai phát súng, hai năm sau, đang ngồi làm việc bỗng hộc máu mồm mà chết. Những cái chết kỳ bí, những hiện tượng không ai giải thích nổi mỗi ngày một nhiều xung quanh gốc cây ấy. Đến tận bây giờ chưa ai có thể lý giải những sự kỳ bí ấy dưới góc độ khoa học, hay mặt tâm linh.