ThienNhien.Net – Ở tuổi 53, bà Chảo Sử Mẩy được nhiều người dân vùng núi cao xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai ví như một “kho bí truyền” thuốc tắm chữa bệnh của người Dao đỏ… Đôi chân bà đã đặt đến khắp nơi của núi rừng Hoàng Liên hùng vĩ để tìm cây thuốc về chế ra những phương thuốc chữa bệnh cho bà con, rồi truyền lại cho con cháu. Với bà Mẩy, bốc thuốc cứu chữa được một người khỏi bệnh là mình đã làm phúc, mang lại niềm vui cho tất cả mọi người và chính mình.
“Kho báu” thuốc tắm của người Dao đỏ
Gặp bà Chảo Sử Mẩy trong căn nhà chất đầy cây thuốc, khoác trên mình bộ áo váy xúng xính của người Dao đỏ, bà dùng tay buộc lại chiếc khăn màu đỏ với tua tủa sợi bạc chùm trên đầu. Vừa trò chuyện với chúng tôi, đôi tay bà Mẩy vừa thoăn thoắt nhặt từng loại cây thuốc để gộp lại thành một bài thuốc mà chỉ người Dao đỏ mới có. Thấy chúng tôi tò mò về những bài thuốc bí truyền nơi đây bà Mẩy không ngần ngại cầm từng loại cây, gói thuốc lên giới thiệu tên và công dụng của chúng. Nhưng khi chúng tôi giả ý hỏi công thức của bài thuốc tắm thì bà Mẩy cười, nói gạt đi “Đã là bí quyết thì không cho người khác biết được, nhiều bài thuốc của bà con chúng tôi đã bị một số người Kinh lấy cắp rồi”.
Được biết hầu hết người dân tộc Dao đỏ sinh sống ở các vùng núi cao phía Bắc đều có bài thuốc riêng của vùng khí hậu và thổ nhưỡng. Mỗi vùng có cách lên rừng hái thuốc, bốc thuốc, quan niệm về sử dụng cây thuốc cũng khác nhau… Tuy nhiên, cách sinh hoạt hàng ngày và phong tục tập quán không khác nhau là mấy, tất cả đều sống dựa vào thiên nhiên.
Bà Chảo Sử Mẩy cho biết người Dao đỏ cũng như một số dân tộc thiểu số khác, thường chọn những nơi cao, có nguồn nước, đất đai phì nhiêu để định cư canh tác. Phần lớn nơi họ chọn là gần rừng. Điều kiện sống tự nhiên, đó cũng là lý do mỗi khi ốm đau bà con rất ít khi đến bệnh viện chữa bệnh, lúc mệt mỏi, và thậm chí cả phụ nữ đến kỳ sinh nở cũng vậy. Những lúc như thế bà con lên rừng hái cây thuốc về tắm hoặc xông hơi… Vì theo bà Mẩy “cây cỏ trong rừng cũng chữa và phòng bệnh như thuốc mà mình mua của người Kinh bán vậy, dùng chúng cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn bổ nữa”.
Qua trò chuyện chúng tôi được biết bà Mẩy hiện đang nắm giữ hàng chục bài thuốc của người Dao đỏ ở Tả Phìn. “Từ nhỏ tôi đã theo bố mẹ lên rừng hái thuốc về phục vụ gia đình. Các bài thuốc tôi nắm giữ hiện nay đều do mẹ truyền lại. Ở cái xã này, ngoài tôi ra còn gần chục người biết pha chế thuốc nữa, tất cả đều là thuốc gia truyền” – bà Mẩy chia sẻ. Chỉ có điều rằng trong hơn 30 loài cây mà bà Mẩy hái về để pha chế thuốc, hầu hết đều phải hái trong rừng tự nhiên, chỉ một số ít là tự trồng được.
Theo những người dân xã Tả Phìn mà chúng tôi tiếp xúc, bà Chảo Sử Mẩy là người biết rất rõ nhiều loài cây thuốc nhất, bà nắm rõ chúng thường mọc ở đâu, mùa nào, và cách hái thuốc cũng vậy…vì thế mà những bài thuốc do bà chế ra có tác dụng chữa bệnh rất nhanh. Bà Mẩy cho biết: “Người Dao đỏ mỗi khi đi hái thuốc rất kiêng kỵ khi gặp rắn, vì khi gặp rắn người bệnh sẽ rất lâu khỏi. Về thời điểm đi hái thuốc cũng phải lựa công dụng của thuốc sẽ được phát huy cao hơn”.
Truyền lại cho đời sau
Những bài thuốc mà bà con dân tộc Dao đỏ sử dụng nhiều nhất là thuốc tắm cho phụ nữ sau khi sinh, thuốc chữa mệt mỏi, đau nhức cơ thể và một số bài chữa bệnh ngoài da, đường ruột… Những bài thuốc trên không chỉ được bà con sử dụng để phục vụ trong dân tộc mình mà nhiều bài thuốc đã được một số khách sạn, nhà nghỉ tại thị trấn du lịch Sa Pa sử dụng để phục vụ du khách. Gần đây nhất ngày 12/3/2011 bà Chảo Sử Mẩy đã đại diện cho những người biết sử dụng cây rừng làm thuốc tại xã Tả Phìn vượt hơn 400 km xuống Hà Nội để dự buổi lễ khai trương một cửa hàng tắm thuốc của người Dao đỏ do bà và Công ty bà làm cố vấn cung cấp thuốc.
Theo bà Mẩy thì việc bà xuống Hà Nội tham gia khai trương cửa hàng tắm thuốc của người dao là một sự kiện đánh dấu quan trọng trong việc đưa các bài thuốc của người Dao đỏ vượt ra khỏi phạm vi nội tỉnh, đó là một cơ hội để quảng bá sản phẩm với mọi người dân.
Từ những kinh nghiệm pha chế học từ bố, mẹ, hiện nay bà Chảo Sử Mẩy đang là cố vấn của một công ty lớn tại Sa Pa (Lào Cai) chuyên nghiên cứu, triết xuất thuốc từ cây rừng nhắm mục đích phục vụ du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, hiện nay bà đang dốc tâm sức truyền lại những bài thuốc bí truyền cho con trai và con dâu của mình. Bà Mẩy mong muốn: “Hi vọng những bài thuốc bí truyền của người Dao đỏ chúng tôi sẽ được lưu truyền mãi về sau và ngày càng được nhiều người biết đến. Mong thế hệ trẻ sau này có những biện pháp bảo vệ, bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc quý giá này”.
Cũng như hàng chục người biết lấy cây cỏ trong rừng về pha chế làm thuốc, bà Mẩy đều tìm hái thuốc trong rừng Hoàng Liên. Nhưng theo bà thì hiện nay vào rừng Hoàng Liên tìm thuốc khó khăn lắm, phải đi rất xa mới có, nhiều loại cây thuốc gần như mấy năm nay không thấy xuất hiện nữa. “Nếu tình trạng người dân cứ vô tư vào rừng lấy thuốc mà cứ nhổ cả thân, rễ như hiện nay mà không kết hợp bảo tồn và các ngành chứ năng không có chính sách bảo vệ thì trong nay mai sẽ không con cây thuốc nam để chữa bệnh nữa, một số bài thuốc tắm của người Dao đỏ cũng sẽ mất vì thiếu một hoặc hai vị thuốc trong bài thuốc là coi như thuốc không tác dụng”. Bà Mẩy lo lắng.
Chứng kiến khuôn mặt lo lắng của bà Mẩy, chúng tôi thầm hiểu, nối lo của bà âu cũng là nỗi lo của bao người đang làm công tác bảo vệ và bảo tồn cây thuốc ở nước ta. Ấy vậy mà hiện nay ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên người ta lại buôn bán cây thuốc sang biên giới như bán rau, cỏ vậy. Đã đến lúc rung lên hồi chuông cảnh báo thực trạng “chảy máu” cây thuốc nam và sớm có những chính sách bảo vệ kịp thời, tránh trường hợp đó là tài sản thiên nhiên ban tặng cho chúng ta mà không biết giữ, rồi lại hối tiếc về sau… Và sau này con cháu chúng ta sinh ra, nhìn vào những bài thuốc gồm hàng chục loại cây mà vào rừng không tìm thấy cây thuốc nào, thì sẽ nghĩ gì về thế hệ đi trước đây?!