ThienNhien.Net – Mất đi hơn 700 héc ta rừng do hỏa hoạn xảy ra liên tiếp trước Tết Nguyên đán 2010 đã làm suy giảm nguồn tài nguyên của Vườn quốc gia(VQG) Hoàng Liên, trong đó có các loài cây thuốc nam. Vấn đề khôi phục rừng trở thành công tác ưu tiên đối với Vườn trong suốt năm qua. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Ninh Anh Vũ – Phó giám đốc Vườn xung quanh vấn đề này.
– Thưa ông, sau đợt cháy tháng 2 năm ngoái gây thiệt hại khá lớn cho VQG Hoàng Liên. Vườn đã triển khai khôi phục lại rừng ra sao?
Ông Ninh Anh Vũ: Chúng tôi đã thống kê, khảo sát tất cả diện tích cháy và thiệt hại đối với VQG Hoàng Liên. Vụ cháy đó đã thiêu mất 718 ha rừng ở ba điểm khác nhau. Vừa qua, sau khảo sát để báo cáo với Chính phủ, được UBND tỉnh phê duyệt, chúng tôi đã tiến hành trồng lại 150 ha. Chủ yếu là cây vối thuốc, cây tống quá sủ và pơ mu. Sở Nông nghiệp và UBND tỉnh Lào Cai đã thiết kế trồng cho phù hợp và đương nhiên có ảnh hưởng tích cực đến cây tái sinh và phục hồi sinh thái rừng.
– Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau nguy cơ cháy rừng, sự khai thác bừa bãi cũng là nguyên nhân dẫn đến tài nguyên cây thuốc bị cạn kiệt?
Ông Ninh Anh Vũ: Có thể nói VQG Hoàng Liên là một trong những trung tâm có nhiều loài cây thuốc đặc hữu và quý hiếm. Có những loài chỉ có ở VQG Hoàng Liên như Hoàng Liên ba gai, Sâm tự nhiên…Tập quán của người bản địa vốn gắn với thu hái lâm sản ngoài gỗ vì họ sống dựa vào cây thuốc, dựa vào rừng… Bà con đa số là dùng thuốc rừng để tự chữa bệnh trong gia đình hoặc bán đong gạo. Trong bối cảnh đời sống kinh tế bà con địa phương còn nhiều khó khăn, do sự quý hiếm của cây thuốc cùng nhu cầu và giá trị của thị trường cây thuốc mà VQG Hoàng Liên càng bị khai thác nhiều hơn.
Ông Ninh Anh Vũ, PGĐ Vườn quốc gia Hoàng Liên |
– Như vậy, nguy cơ đe dọa tài nguyên cây thuốc nam là rất lớn?
Ông Ninh Anh Vũ: Đúng vậy.
– Theo quan sát của chúng tôi, tại Sa Pa có rất nhiều cơ sở mua bán thuốc nam, và tất nhiên có cung thì có cầu, có kẻ mua thì có người bán. Việc này sẽ ảnh hưởng ra sao đến tài nguyên thuốc tại VQG Hoàng Liên trong khi có lái buôn thu gom được cả vài chục tấn nguyên liêu thuốc0?
Ông Ninh Anh Vũ: Có lẽ số lượng khai thác từ VQG Hoàng Liên không đáng kể trong con số lớn lao đó. Với số lượng lớn như vậy, họ phải thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, từ các cơ sở bán thuốc ở Sa Pa, thậm chí lấy từ các xã khác.
Việc quản lý bảo vệ quá khó, trừ chỗ nào vách đá cheo leo thì người dân mới không lên được, còn chỗ nào họ cũng có thể vào, thậm chí là trong vùng lõi của Vườn cũng có nhà ở.
– Đã bao giờ các ông xử lý việc người dân vào rừng thu hái thuốc nam?
Ông Ninh Anh Vũ: Theo tôi được biết, những vụ bắt được số lượng lớn phía ngoài vườn thì nhiều. Lực lượng xử lý những vụ này lại thuộc kiểm lâm tỉnh, huyện hay quản lý thị trường. Chúng tôi có trách nhiệm quản lý trong VQG Hoàng Liên. Tuy nhiên, không phải mình không xử lý những vụ ở ngoài phạm vi rừng mà kết hợp với kiểm lâm huyện kiểm tra bắt giữ. Có những vụ 1 – 2 xe thuốc với số lượng khá lớn… Tuy nhiên lại có những khó khăn. Đa số vụ lớn mình có bắt giữ nhưng sau đó họ lại hợp lý hóa được giấy tờ. Vấn đề “chảy máu” tài nguyên thuốc như anh nói là có nhưng số lượng không đáng kể.
– Cũng có nguồn tin cho rằng ở đây vẫn xảy ra tình trạng “lách luật”, vào rừng khai thác cây thuốc “đem về nhà trồng” rồi bán cho các lái buôn để hợp thức hóa?
Ông Ninh Anh Vũ: Các cơ quan chức năng cần có cuộc khảo sát, đây là thực trạng khó tránh khỏi, vấn đề nó ở quy mô nào.
Với quy định như hiện nay, việc một lái buôn đi thu gom thuốc tại các hộ gia đình, có hộ vài kg, có hộ vài tạ…đối với một số loài ngoài danh mục cấm và hạn chế khai thác, mua bán thì rõ ràng họ không phạm luật. Nên vấn đề là ở người dân, họ nên khai thác ra sao cho bền vững đòi hỏi sự quản lý tầm vĩ mô của tất cả các ngành các cấp từ Trung Ương đến địa phương. Người dân sống nhờ rừng và khai thác hài hòa là điều lý tưởng, nhưng một khi đã có yếu tố đầu cơ, tích trữ thì rõ ràng là tiêu cực. Trong những loài thuốc nam bị khai thác, có thể có những biệt dược quý nhưng ngay cả các nhà quản lý cũng không thể biết được, bởi trình độ và sự nghiên cứu chúng ta còn hạn chế. Điều đó dẫn đến lãng phí, bán với giá rẻ mạt, sử dụng không đúng mục đích…
– Hiện vườn có chương trình nào để bảo tồn các loài cây thuốc quý?
Ông Ninh Anh Vũ: Hiện nay, tại VQG Hoàng Liên có Hoàng liên Ba Gai, Hoàng liên chân chim… có nguy cơ đe dọa do sự khai thác quá đà. Với phạm vi phân bổ hạn hẹp, số lượng ít mà giá trị lớn nên nguy cơ cao. Tuy nhiên từ khi phát hiện ra đây là biệt dược, chúng tôi đã thực hiện trồng để bảo tồn, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con.
– Xin cảm ơn ông!