ThienNhien.Net – Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nằm ở độ cao từ 1.000m đến hơn 3.000m so với mực nước biển, Vườn quốc gia (VQG) Hoàng Liên được ví như một “kho thuốc nam" khổng lồ. Nhưng những năm gần đây, kho thuốc này đang ngày dần cạn kiệt, một số cây thuốc quý có nguy cơ tuyệt chủng.
Kho thuốc quý tiềm năng
Nhắc đến Hoàng Liên (Sa Pa – Lào Cai), ngoài cảnh quan tuyệt đẹp, hùng vĩ, hoà trong cái lạnh của xứ sở sương mù những du khách đã từng đến Sa Pa còn truyền tai nhau về một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây, đó là cây thuốc nam. Qua tìm hiểu của chúng tôi và theo một số lương y gia truyền thì cây thuốc được lấy ở dãy Hoàng Liên Sơn có hàm lượng dinh dưỡng, sinh học và có công dụng chữa bệnh hơn hẳn cây thuốc mọc ở một số nơi khác.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Trọng, một chuyên gia nghiên cứu cây con làm thuốc, đồng thời đang là Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thực phẩm và thực phẩm chức năng Lăng Long cho biết, cũng cùng một bài thuốc, vị thuốc, nhưng vị thuốc có nguồn gốc ở Hoàng Liên Sơn chữa nhanh khỏi bệnh, còn vị thuốc ở nơi khác chữa rất lâu khỏi, thậm chí là không chữa được. Bác sỹ Trọng chia sẻ: “Chất lượng của một cây thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, giống, khí hậu, thổ nhưỡng, cũng như môi trường, nguồn nước ở nơi đó. Có lẽ cây thuốc nam ở dãy Hoàng Liên Sơn được “dưỡng” trên tổng hoà của những điều kiện tự nhiên tốt nhất, thích hợp nhất, nên đã “tích tụ” được những dưỡng chất, sinh khí tốt nhất để ban tặng cho con người”.
Ông Phạm Văn Đăng – Giám đốc VQG Hoàng Liên cho biết: Tháng 7/2002, Khu Bảo tồn Hoàng Liên đã được chuyển hạng thành VQG Hoàng Liên, với tổng diện tích 29.845 ha, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm 11.875 ha, khu phục hồi sinh thái 17.900 ha, thuộc 4 xã San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ (Sa Pa – Lào Cai) và một phần thuộc xã Mường Khoa, Thân Thuộc (Than Uyên – Lai Châu).
Đây là vùng có khí hậu Á nhiệt đới, với hệ động vật, thực vật phong phú, đa dạng trong đó có nhiều loài quý hiếm. Hiện ở VQG Hoàng Liên đã phát hiện được 2.024 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 200 họ, có 66 loài trong sách đỏ Việt Nam, 11 loài có nguy cơ tuyệt chủng như bách xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, đinh tùng, dẻ tùng… trong đó cây thuốc chiếm khoảng 700 loài. Có 16 loài được ghi vào danh mục các cây thuốc cấm khai thác để buôn bán ở nước ta thì VQG Hoàng Liên có 6 loài như các loài Hoàng Liên gai, tam thất hoang, lan kim tuyến, lan hài, tế tân nam, thất diệp nhất chi hoa (bảy lá một hoa). Trong đó còn có khoảng 2.500 cây lấy được mẫu tiêu bản nhưng chưa xác định được tên, họ cây và các loài nấm cổ linh chi.
Đặc biệt ở đây còn sở hữu ba loài cây đặc biệt quý hiếm là bách xanh, phân bố ở vùng núi đá vôi thuộc xã Bản Hồ (Sa Pa), mọc rải rác trên diện tích khoảng 30 ha, ở độ cao trên 2.200m; thông đỏ, hiện chỉ còn 3 cá thể được tìm thấy ở xã Sa Pả (Sa Pa) ở độ cao trên 2.000m và vân sam Hoàng Liên phân bố ở độ cao 2.700m thuộc vùng lõi của VQG với diện tích khoảng 500 ha.
Với hệ thực vật đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại, đặc biệt là cây thuốc nam, dãy Hoàng Liên Sơn nói chung và VQG Hoàng Liên nói riêng được ví như một “kho thuốc” quý. Nếu biết tận dụng lợi thế khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc Nam, nó sẽ mở ra một hướng đi mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của người dân nơi đây, tạo nên “thương hiệu” di lịch Sa Pa, thương hiệu cây thuốc Nam Sa Pa…
Những “phố thuốc nam” bên VQG
Lợi thế là vậy, tuy nhiên khoảng chục nằm gần đây, “kho thuốc” quý này đang ngày dần cạn kiệt, có nhiều loài thuộc dạng quý hiếm như bảy lá một hoa, lan kim tuyến, Hoàng Liên gai… dường như đã tuyệt chủng, biến khỏi danh sách cây thuốc Nam quý hiếm, bởi tình trạng khai thác ráo riết nơi đây.
Chính những người dân địa phương nơi đây chia sẻ với chúng tôi rằng trước kia họ chỉ cần lên rừng một lúc là lấy đủ vị của một bài thuốc, thậm chí bước chân ra khỏi nhà là dẫm phải cây thuốc. Nhưng nay, nhiều vị thuốc mình phải đi cả ngày vào tận trong rừng sâu, rừng già mới kiếm được vài cọng lá. Mấy năm gần đây thương lái Trung Quốc đổ xô sang mua nhiều, thấy kiếm được tiền nên họ thi nhau vào rừng hái thuốc, gặp cây nào là đào tận gốc cây đó. Giờ vào rừng chỉ toàn là dấu chân, hốc, hố nham nhở chứ chẳng thấy cây thuốc quý nữa.
Đi dọc các tuyến phố của thị trấn Sa Pa, đâu đâu cũng thấy quầy bán thuốc Đông Y, thuốc Nam, nhẩm tính chỉ trong một thị trấn nhỏ đã có đến hàng trăm quầy. Cây thuốc bán ở đây có đủ các loại, từ bình dân cho cao cấp đắt tiền.
Chị Đỗ Thị Mến, một người chuyên kinh doanh thuốc Nam, thuốc Bắc ở thị trấn Sa Pa cho biết, trung bình mỗi năm chị bán khoảng 3 – 4 tấn thuốc dạng khô. Tìm hiểu về lượng cung, cầu tại một số quầy thuốc Đông Y ở đây, đa số các chủ quầy đều khẳng định, nguồn hàng họ mua lại từ những người dân bản địa, rồi phơi khô, chế thành từng thang để bán. Trung bình mỗi năm họ bán được khoảng vài tấn cây thuốc khô, khách hàng đa số là khách du lịch, vài năm trở lại đây khách hàng tiêu thụ lớn nhất là thương lái của Trung Quốc.
“Những cây quý hiếm, thông dụng thì chúng tôi biết, chứ nhiều cây chúng tôi cũng chẳng biết công dụng của nó là gì? Thấy thương lái Trung Quốc đặt hàng thì chúng tôi thu mua, rồi bán lại kiếm lời, còn họ chở đi đâu, làm gì thì không ai biết!” – chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, chủ một quầy thuốc Nam – Bắc trên đường Hàm rồng cho hay.
Với hàng trăm quầy bán thuốc Nam – Bắc ở thị trấn Sa Pa, nhẩm tính mỗi năm ít ra cũng đã có hàng trăm tấn thuốc được khai thác, tiêu thụ, đó là chưa kể đến số lượng cây thuốc Nam mà thương lái Trung Quốc thu mua hàng loạt.
Về vấn đề này, Giám đốc vườn VQG Hoàng Liên chia sẻ: “Không phải 100% số lượng cây thuốc nam được tiêu thụ ở Sa Pa là lấy từ VQG Hoàng Liên, một số lấy từ các vùng lân cận, các tỉnh khác và một phần do bà con đem giống về trồng, nên việc quản lý chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thi thoảng kiểm lâm cũng bắt được 1 – 2 xe tải chở thuốc tiêu thụ sang Trung Quốc, nhưng khi bị bắt họ lại “chạy” giấy tờ để hợp thức hoá nguồn gốc của cây thuốc (cây thuốc trồng), nên không xử lý được. Vả lại, đây là loại “lâm sản ngoài gỗ” (người trồng, bảo vệ rừng được hưởng hoa lợi), rồi họ cứ vịn vào cớ “cây thuốc trồng”, hơn nữa chúng tôi chỉ có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chứ xử lý phải là kiểm lâm và chính quyền sở tại, nên không làm mạnh tay được. Để khắc phục được tình trạng này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành!”.
Một số người dân ở đây cho biết, thời gian gần đây, cứ vài ngày lại có một chuyến xe tải loại 15 – 20 tấn đến gom cây thuốc Nam ở thị trấn Sa Pa để chở sang Trung Quốc tiêu thụ. Cây thuốc bị khai thác với số lượng lớn là củ bình vôi trắng, củ bình vôi vàng, giảo cổ lam, hoàng tinh vàng, cây huyết đằng… với số lượng hàng trăm tấn mỗi năm.
Hỏi về giải pháp để khai thác hiệu quả và bền vững cây thuốc Nam ở VQG Hoàng Liên, Giám đốc Phạm Văn Đăng nói: “Không thể cấm tuyệt đối người dân vào rừng lấy cây thuốc, vì nó đã trở thành tập quán và nguồn sống của họ. Chỉ còn cách là tuyên truyền để họ hiểu và biết cách khai thác bền vững nguồn tài nguyên này. Hàng năm chúng tôi tổ chức khoảng 15 – 20 cuộc tập huấn tuyên truyền về bảo vệ rừng, phòng, chữa cháy và cách khai thác cây thuốc nam bền vững cho bà con và vận động họ nhân giống những cây thuốc quý hiếm để trồng, chỉ ra cho họ thấy tầm quan trọng và cần thiết phải khai thác theo hướng bền vững. Tóm lại, để bảo vệ, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc nam, phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân”.