ThienNhien.Net – Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa chính phủ Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam sẽ thảo luận về việc phê duyệt dự án đập thủy điện Xayaburi. Cùng với rất nhiều luồng dư luận chỉ trích xung quanh con đập này, có một điều đáng nói là dù đã vào giai đoạn cuối của quá trình ra quyết định, Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) của dự án mới chỉ được tiết lộ với công chúng vài ngày trước.
Nói về báo cáo EIA của dự án đập Xayaburi, bà Ame Trandem thuộc Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers) bình luận: “Điều khó hiểu là báo cáo EIA đến giờ mới được tiết lộ cho công chúng, chưa kể đến chất lượng đáng ngờ của báo cáo. Sông Mê Kông là một dòng sông quốc tế và một EIA chất lượng quốc tế đáng ra tối thiểu cũng phải cung cấp được thông tin cho quá trình ra quyết định. Trong khi đó, báo cáo EIA thiếu các thông tin kỹ thuật cần thiết, mù mờ vì các lỗ hổng trong đánh giá phân tích, đặc biệt là chỉ đề cập đến tác động 10km hạ nguồn của dự án, mặc dù các nghiên cứu do Ủy hội sông Mê Kông (MRC) ủy thác thực hiện – Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) – đã thừa nhận rằng dự án sẽ tác động trên toàn lưu vực. Đây là một sự vô trách nhiệm và liều lĩnh đáng sợ”.
Theo đó, một số các lỗ hổng chính trong báo cáo EIA của Xayaburi đã được chỉ ra.
Thứ nhất, về thiệt hại thủy sản: EIA của đập Xayaburi thậm chí thiếu cả những thông tin cơ bản về thủy sản, bao gồm sự đa dạng loài, xu hướng di cư, nhu cầu sinh thái và các tác động dự kiến đến thủy sản. Trong khi đó, các chuyên gia toàn cầu từng cảnh báo rằng tác động đến thủy sản từ các đập trên dòng chính sông Mê Kông là không thể giảm nhẹ, và báo cáo EIA cũng không đưa được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào để phản biện điều này.
Tiếp nữa, thiệt hại về hệ sinh thái và đa dạng sinh học: Trong khi báo cáo SEA của MRC công bố tháng 10/2010 xác định ít nhất 41 loài cá, bao gồm cả loài cá tra khổng lồ biểu tượng của dòng Mê Kông, sẽ có nguy cơ tuyệt chủng bởi các đập trên dòng chính, thì báo cáo EIA thậm chí không xác định các loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc các loài đặc hữu trong vùng lân cận của con đập được đề xuất.
Về tác động xuyên biên giới: Báo cáo EIA chỉ xem xét các tác động trong 10 km về phía hạ lưu của dự án. Trong khi đó, theo báo cáo SEA của MRC, sẽ có những tác động xuyên biên giới về hệ sinh thái và xã hội nếu con đập được xây dựng.
Thiệt hại nông nghiệp: Trong khi dòng phù sa màu mỡ mà con sông Mê Kông mang lại đã được biết là vô cùng quan trọng đối với ngành thuỷ sản và năng suất nông nghiệp dồi dào của lưu vực, báo cáo EIA thậm chí đã không xem xét tác động của con đập tới việc chuyên chở phù sa của dòng sông.
Cuối cùng, về tác động đến sinh kế: Trong khi các báo cáo SEA ước tính có 2.100 người phải di chuyển chỗ ở và hơn 202.000 người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi đập Xayaburi, thì báo cáo EIA không hề xét xem những mất mát về thủy sản và nông nghiệp sẽ tác động đến sinh kế, an ninh lương thực và nền kinh tế địa phương ra sao.
Tuy nhiên, bất chấp phản đối rõ ràng của dư luận đối với con đập trong suốt hai năm qua bao gồm cả tiếng nói từ cộng đồng, các quan chức chính phủ và đại diện các tổ chức phi chính
“Vì người dân địa phương đã hứng chịu nhiều tác động từ các con đập thượng nguồn của Trung Quốc và chứng kiến những thay đổi của hệ sinh thái, chúng tôi sợ rằng con đập Xayaburi sẽ mang lại nhiều trắc trở hơn cho sinh kế của chúng tôi. Cuộc sống và sinh kế của chúng tôi phụ thuộc vào sức khỏe của sông Mê Kông” – Ông Kamol Konpin, thị trưởng của thành phố Chiang Khan (Thái Lan) phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông và chống đập 14/3. |
phủ trong hàng loạt cuộc tham vấn được tổ chức tại Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đầu năm 2011, Chính phủ Lào và các tập đoàn Thái Lan vẫn đã và đang tích cực chạy nước rút ở hậu trường để thúc đẩy dự án này. Một thông cáo do nhà nhà tài trợ dự án Ch Karnchang (Thái Lan) công bố ngày 1/3/2011 vừa qua đã tuyên bố rằng Thỏa thuận Nhượng quyền của dự án với Chính phủ Lào đã được ký kết .
Theo bà Ame Trandem, trong khi quá trình Thông báo, Tham vấn và Đồng thuận trước về đập Xayaburi của MRC (PNPCA) đang bị chỉ trích vì thiếu công bố thông tin và về chất lượng của các phiên tham vấn, thì việc thỏa thuận nhượng quyền đã được ký kết trước khi quá trình PNPCA hoàn tất chứng tỏ Chính phủ Lào và các nhà phát triển dự án không mấy quan tâm đến mối quan ngại của cộng đồng về các tác động và hậu quả của con đập.
“Vì quy trình thiếu sót và sai lầm này đang đánh bạc với sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu người trong khu vực, các nhà tài trợ cho MRC nên đề nghị dừng quá trình ra quyết định cho con đập tới khi một quyết định có trách nhiệm và bao quát được tình hình có thể được đưa ra”, bà Trandem kết luận.
Quyết định cuối cùng về con đập Xayaburi dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 22 tháng 4 này.
Thủy điện Xayaburi: Tác động sâu rộng, thông tin hạn hẹp