ThienNhien.Net – Trong những năm trở lại đây, chất lượng môi trường nước hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm như nạo vét bùn, khuyến khích nông dân sử dụng phân bón vi sinh, hoàn thành hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm… nhưng vẫn không hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng này, tác giả Phạm Thế Anh (Khoa Khoa học Môi trường, Đại học Yersin Đà Lạt) đã thực hiện đề tài “Ứng dụng năng lượng gió vào quá trình tự làm sạch của môi trường nước mặt hồ Xuân Hương.”
Theo đó, hệ thống làm sạch môi trường nước được lắp đặt hệ thống tua bin gió với kiểu dáng và màu sắc khác nhau, sẽ khuếch tán ô xy từ không khí vào môi trường nước và ứng dụng khả năng tự làm sạch của môi trường nước. Phương pháp này giúp tiết kiệm năng lượng vì không phải sử dụng điện, hoặc các loại nhiên liệu hóa thạch khác nhau, mà vẫn có thể giúp cải thiện tình trạng môi trường.
Theo tác giả, gió là một nguồn năng lượng sạch được xếp vào nhóm năng lượng tái tạo và rất dồi dào. Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nơi nào sử dụng năng lượng gió vào quá trình tự làm sạch môi trường. Hơn nữa, ở phương pháp này hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường, chi phí lắp đặt, vận hành thấp so với những phương pháp khác, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở thành phố Đà Lạt.
Dự án được triển khai sẽ là cơ sở lý luận ứng dụng năng lượng gió vào quá trình tự làm sạch của môi trường nước, lắp đặt một mô hình thử nghiệm ứng dụng năng lượng gió tại hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.