ThienNhien.Net – Ý tưởng thiết kế ngôi làng đặc biệt này đã giành giải nhất phần thi dành cho sinh viên trong Cuộc thi kiến trúc quốc tế “Thiết kế chống lại những ảnh hưởng bởi thiên tai” vừa được công bố vào đầu tháng 3.
Theo mô hình, các ngôi nhà trong làng sẽ được thiết kế 2 lớp kết cấu, bao gồm lớp vỏ để chống bão và lớp lõi để nổi khi có lũ lụt. Lõi có thể làm bằng vật liệu nhẹ như tre, gỗ mà không cần bê tông cốt thép. Sàn nhà giống như một dạng phao tự nổi mỗi khi nước dâng.
Để công trình không bị xô lệch hay gây xáo trộn bên trong mỗi khi nổi thì lớp trong của công trình sẽ được định vị với lớp ngoài bởi 4 hệ ray ở 4 góc và vận hành theo nguyên lý ma sát trượt, ma sát lăn. Với nguyên lý như vậy, một ngôi nhà rộng 40m2 nặng gần 30 tấn cũng có thể di chuyển được.
Ưu điểm nhất của mô hình này là có thể ứng dụng cải tạo chính những ngôi nhà mà người dân đang ở. Tổng chi phí cho một ngôi nhà nổi chỉ 60-100 triệu đồng, giảm hơn rất nhiều so với việc xây dựng nhà mới.
Dù vậy, theo Tiến sĩ, KTS Nguyên Hạnh Nguyên, Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, người hướng dẫn nhóm sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Đại học Phương Đông thực hiện ý tưởng, việc ứng dụng mô hình ngôi làng trong thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, nhóm cần nhận được sự hỗ trợ từ phía địa phương và các nhà đầu tư.