ThienNhien.Net – Thung Voi còn được người địa phương gọi bằng cái tên thung lũng Voi, nằm giáp ranh giữa xóm Lộng và Đệt thuộc địa phận xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Nạn khai thác vàng nơi đây sau một thời gian tạm lắng nay tiếp tục sôi động trở lại sau cơn sốt vàng rộ lên suốt thời gian qua.
Phạt rừng, khoét núi để tìm vàng
Đến xã Thanh Nông hỏi thăm người dân đường lên Thung Voi thì ai cũng ngao ngán thay cho chúng tôi vì sẽ phải cuốc bộ mất nửa ngày được mới tới nơi. Trong vai một người muốn gia nhập đội quân đào vàng, tôi theo chân anh Bùi Văn Mình, một người dân địa phương từng có thâm niên ba năm làm thuê cho chủ bãi vàng giờ đã về “ở ẩn”. Đúng như người dân nói, chúng tôi phải leo qua ba ngọn núi, vượt tới sáu quả đồi và lội qua một con suối mới đến được thung lũng có cái tên đặc biệt. Qua tìm hiểu, tôi được biết, con đường mòn đang đi vốn trước kia chưa từng có. Bà con xóm đã Đệt phải phát cỏ dại, chặt gỗ rừng để mở đường gần nhất đến bãi vàng. Cảnh hoang tàn giờ vẫn còn lộ rõ trên những gốc cây trơ trụi, những vạt rừng xác xơ.
Tôi hỏi sao dân mình không tìm làm nghề khác mà lại rủ nhau đi đào đãi vàng, anh Mình tâm sự: “Bà con còn nghèo lắm, kinh tế chỉ trông chờ vào mấy cái nương và bắp. Dân không nghề nghiệp nên ai thuê gì làm nấy, một số vào rừng đào vàng chui, số khác thì đi làm thuê cho các chủ bãi”.
Tận mục sở thị Thung Voi mới thấy cảnh lao động nhộn nhịp, khẩn trương ở nơi đây chẳng khác chi một đại công trường. Tiếng máy xúc, máy đào gầm rú, tiếng cuốc xẻng chan chát, tiếng máy bơm hút quặng òng ọc. Quanh những bãi vàng, hệ thống các đầu nổ, ống hút, lán trại được xây dựng khá kiên cố. Những thớ núi bị bốn chiếc máy xúc gặm nham nhở, chỉ còn trơ đá, dưới chân núi nhiều chỗ cũng bị cày, ủi thành từng vũng sâu đến vài đầu người.
Sự xuất hiện đột ngột của chúng tôi khiến nhiều ánh nhìn sắc lẹm đổ dồn về với vẻ đầy nghi hoặc, dò xét. Thật may là qua màn giới thiệu của anh Mình, vẻ hung dữ mới dần dịu đi trên những khuôn mặt xám xịt của mấy tên cai vàng và mấy người làm thuê đào đãi.
Vẫn thuộc Thung Voi nhưng cách đó một quả đồi thấp, hoạt động khai thác vàng cũng diễn ra không kém sôi nổi. Có tới hàng chục nhân công luôn chân luôn tay đào đãi, người thì cúi gầm mặt khi chúng tôi đến, người thì bịt khăn kín mít, chỉ lộ rõ hai con mắt. Càng thâm nhập sâu vào trong hang càng thấy sợ, nhiều chỗ bị khoét sâu tới gần 30m nhưng không hề có vật chống đỡ. Chỉ một sơ suất nhỏ thôi là đất đá có thể đổ sụp lúc nào không hay.
Và như để chứng minh Thung Voi trước kia đã từng bị đào bới dọc ngang, anh Mình tiếp tục dẫn tôi đến những tụ điểm nằm trên tận núi cao. Tại đây, các lán trại được che khuất bởi cây rừng. Phía ngang lưng núi cũng có một vài hầm đang bị đục khoét, đất đá đổ ùn ùn ra bên ngoài trông như những hang động lớn, nhiều chỗ bị bỏ hoang đã vài năm.
Sông suối ô nhiễm nặng
Hệ lụy từ việc khai thác vàng trong nhiều năm ở thôn Lộng khiến con suối chảy qua địa bàn giáp ranh với thôn Mị, xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi bị ô nhiễm nặng. Nhiều diện tích đất phù sa màu mỡ ở hai bờ suối cũng mất dần, biến thành những hầm hố sâu hoắm. Suối bị nén dòng chảy nên cứ vào mùa lũ, đất đá lại trút xuống ào ào, gây nguy hiểm khôn lường.
Một số người dân trong vùng cho biết, trước kia, nước suối Lộng trong xanh lắm, bà con vẫn dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Nhưng từ ngày xảy ra tình trạng khai thác vàng ồ ạt ở thôn Lộng đến giờ, nước cứ đục ngàu, đỏ oạch, chẳng thể dùng được. Những thửa ruộng dọc suối cũng bị thu hẹp dần, thay thế bằng những đống đất đá cao ngất ngưởng và hàng chục vũng lớn, nhỏ đã bị hoang hóa.
Rời bãi vàng Thung Voi, tâm trí tôi không khỏi bị ám ảnh về những mảng núi nham nhở, dòng suối đục ngầu và những phận người mong manh…