ThienNhien.Net – Kêu gọi người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng cùng với việc tăng cường các biện pháp trong phòng chống cháy rừng là hoạt động mà các lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đang ráo riết thực hiện trong mùa khô này.
Đắk Lắk là địa phương có diện tích rừng lớn thứ 2 ở Tây Nguyên (chỉ sau tỉnh Gia Lai) với hơn 600.000 ha, gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh từ rừng đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng, và bảo vệ môi trường và góp phần đảm bảo đời sống cho nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Việc di dân tự do đến Đắk Lắk thường xuyên diễn ra, chủ yếu vào các vùng sâu, vùng xa đã khiến nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm, chặt phá và xâm hại.
Chỉ tính trong 2 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 236 vụ vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ lâm sản, tịch thu 435m3 gỗ, 71 con và 180 kg động vật hoang dã…
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã trực tiếp chỉ đạo việc tăng cường công tác bảo vệ, quản lý tài nguyên rừng, đồng thời kêu gọi người dân phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc việc quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng đối với các tổ chức cá nhân đầu tư vào các dự án trồng rừng, cao su, các dự án nông lâm nghiệp….
Cùng với đó, tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng, các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài động vật quý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu các đơn vị, lực lượng liên quan thắt chặt quản lý, chống chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép tại một số địa bàn như Ea Súp, Ea H’ leo, Krông Năng, M Đrắk…Củng cố và thành lập các trạm kiểm lâm trên địa bàn xã, các chốt bảo vệ rừng.
Một công việc khác không kém phần quan trọng là công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) trong mùa khô năm nay.
Ông Lê Cước, Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, mùa khô là thời điểm rất dễ xảy ra cháy rừng và thường tập trung vào những vùng rừng khộp, sim, tre nứa, rừng hỗn giao và rừng trồng. Riêng tỉnh Đắk Lắk, hàng năm diện tích rừng bị cháy thường tập trung ở thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Krông Búk, Krông Bák, Krông Năng, Krông Ana, Ea kar…
Vì vậy, ngay từ đầu tháng 2, công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2011 đã được triển khai theo 3 cấp: cấp cơ sở gồm chủ rừng, các tổ đội ở cấp xã; cấp huyện gồm kiểm lâm huyện và các ngành liên quan; cấp tỉnh gồm các đội liên ngành.
Các đơn vị, địa phương thành lập các tổ quần chúng bảo vệ, phòng chống cháy rừng thực hiện nhiệm vụ theo phương châm 4 tại chỗ; thường xuyên kiểm tra, tuần tra vùng rừng trọng điểm trong thời gian cao điểm dễ xảy ra cháy; tạo đường băng ngăn lửa, dựng chòi canh lửa, chuẩn bị nước cho chữa cháy rừng…