ThienNhien.Net – Nếu được thông qua và áp dụng thành công, cơ chế REDD+ được kỳ vọng giúp giảm đáng kể mất rừng và suy thoái rừng, đồng thời cung cấp nguồn thu lớn cho các nước đang phát triển nhằm gìn giữ và quản lý rừng hiệu quả hơn, thúc đẩy mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, mục tiêu này có đạt được hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách thức thiết kế và thực thi REDD+ trong thực tế; và đôi khi nó có thể khiến REDD không song hành với các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học.
Dù hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho môi trường sinh thái, REDD+ cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ đối với đa dạng sinh học. Giả như, nếu chỉ có một vài quốc gia tham gia REDD+, nạn phá rừng có thể chuyển từ quốc gia này sang các quốc gia khác. Thậm chí ngay trong bản thân các nước tham gia REDD+, nạn phá rừng cũng có thể chuyển đổi từ những cánh rừng lưu trữ carbon cao sang những cánh rừng lưu trữ carbon thấp; hoặc việc mở rộng canh tác sẽ chuyển từ các khu vực rừng sang các hệ sinh thái nhạy cảm khác như savan, đầm lầy, mang theo những tác động tiêu cực cho đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái này. Thêm nữa, việc tăng cường lưu trữ carbon cũng có thể được thực hiện theo cách tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.
Tác động tổng thể của REDD+ lên đa dạng sinh học vì vậy phụ thuộc chặt chẽ vào cách thức thiết kế của cơ chế REDD+ toàn cầu cũng như phương thức thực thi REDD+ trên thực địa của mỗi quốc gia.
Thiết kế REDD+ và bảo tồn đa dạng sinh học
Cách thức thiết kế REDD+ dưới Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) do đó cũng sẽ quyết định cả cơ hội và rủi ro cho đa dạng sinh học. Đồng thời, quy định của UNFCCC về phạm vi các hoạt động phù hợp cũng là yếu tố quyết định quốc gia nào sẽ tham gia REDD+, lượng khí thải mà họ sẽ giảm, bao nhiêu rừng và rừng ở đâu sẽ được bảo tồn.
Bản dự thảo hiệp định hiện nay của UNFCCC đang đề xuất phạm vi các hoạt động sau dưới quy chế REDD+: giảm khí thải từ phá rừng và suy thoái rừng, bảo tồn các kho dự trữ carbon của rừng, quản lý rừng bền vững và đẩy mạnh dự trữ carbon từ rừng (UNFCCC, 2010). Tuy nhiên, hiện tại bản dự thảo vẫn chưa quy định rõ về các hoạt động khác phải có và rằng chúng sẽ được cơ chế REDD+ thúc đẩy như thế nào.
Hướng đàm phán đang diễn ra cho thấy cơ chế REDD+ có thể trở thành “lá chắn bảo vệ” cho vô số các vấn đề xã hội và môi trường, bao gồm cả đa dạng sinh học. Dự thảo Hiệp định hiện có tuyên bố rằng các hoạt động REDD+ sẽ gắn bó chặt chẽ với bảo tồn các khu rừng tự nhiên và đa dạng sinh học, đảm bảo rằng các hoạt động dưới REDD+ không được áp dụng để bảo tồn rừng tự nhiên mà để khuyến khích bảo vệ và bảo tồn rừng tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái của nó, đồng thời củng cố các lợi ích môi trường và xã hội khác.
Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại những bất đồng trong việc quyết định nên để các quốc gia áp dụng cơ chế REDD+ một cách tự nguyện hay có ràng buộc về mặt pháp lý, và có nên giám sát, báo cáo và thẩm tra những hoạt động này không. Song, ngay cả nếu UNFCCC không quyết định ràng buộc về mặt pháp lý, cơ chế này vẫn có thể được các quốc gia hoặc các cơ quan tài trợ thực hiện trong các điều kiện nhất định. Và nếu các “lá chắn” này được thông qua và giám sát, đó sẽ là một bước đi quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học.
Để xác định tác động của các thiết kế REDD+ khác nhau đối với độ che phủ rừng nhiệt đới và các lợi ích đa dạng sinh học, rất nhiều mô hình đã được thiết lập nhằm xác định xem rừng của quốc gia nào và những khu vực rừng nào có thể được bảo tồn với các thiết kế REDD+ khác nhau.
Đơn cử, mô hình OSIRIS (Open Source Impacts of redd+ Incentives Spreadsheet model) có thể giúp người sử dụng khám phá các tác động của 4 thiết kế REDD+ khác nhau đối với mức độ phá rừng quốc gia ở 86 nước nhiệt đới, cũng như tác động của các quy mô tài chính khác nhau cho REDD+.
Các mô hình khác cũng giúp khảo sát khu vực thích hợp để lưu trữ carbon và bảo tồn đa dạng sinh học hoặc nguồn thu nhập tiềm năng từ REDD+ và đa dạng sinh học, chỉ ra cả các lợi ích đồng thời và sự đánh đổi giữa REDD+ và bảo tồn đa dạng sinh học.
Từ góc độ bảo tồn, các phân tích và mô hình này đều nhấn mạnh rằng, cơ chế REDD+ toàn cầu phải được thiết kế để bảo vệ được càng nhiều rừng nhiệt đới càng tốt, đồng thời ngăn chặn tình trạng dịch chuyển phá rừng giữa các quốc gia, giảm tốc độ phá rừng và suy thoái rừng, đảm bảo rằng nguồn tài chính cho REDD+ là thích đáng và bền vững vì mục tiêu giảm tốc độ phá rừng và suy thoái rừng lâu dài.
Thực thi REDD+ và bảo tồn đa dạng sinh học
Mặc dù cơ chế REDD+ toàn cầu đã cung cấp một khung pháp lý về cách thức mà mục tiêu giảm khí thải nhà kính có thể đóng góp cho công tác bảo tồn, song sau rốt, chính việc áp dụng REDD + trên thực tế mới quyết định tác động của nó đến bảo tồn đa dạng sinh học.
Mỗi quốc gia sẽ tự chọn địa điểm, tốc độ cũng như mô hình thực thi REDD: có thể là bảo tồn rừng, quản lý rừng bền vững hoặc tăng cường dự trữ carbon… Những quyết định này sẽ ảnh hưởng trở lại đến chất lượng, số lượng và sự phân bố của các môi trường sống cho động vật hoang dã.
Như vậy, các nhà hoạch định chính sách và quản lý rừng có thể đóng góp vào bảo tồn sinh học thông qua thực thi REDD+ theo nhiều cách khác nhau. Các cách thức này có thể là định hướng REDD+ về mặt không gian – hướng tới các khu rừng đa dạng sinh học nhất; ưu tiên mục tiêu giảm phá rừng và bảo vệ rừng thông qua giảm suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon; thiết lập các khu bảo tồn mới ở nơi phù hợp, thay đổi tập quán khai thác gỗ hoặc bảo tồn rừng; yêu cầu đánh giá tác động xã hội và môi trường cho các chương trình REDD+ và/hoặc thiết lập các cơ chế bảo vệ môi trường.
Đảm bảo hiệu quả của REDD+ đối với bảo tồn đa dạng sinh học
Có rất nhiều công cụ có thể giúp các quốc gia và các nhà quản lý rừng tăng cường cơ hội và giảm thiểu các nguy cơ bảo tồn đa dạng sinh học thông qua REDD+. Những công cụ này bao gồm phân tích không gian, triển khai các kịch bản (bao gồm đánh giá chi phí – lợi ích), áp dụng các hướng dẫn, tiêu chuẩn và giám sát.
Các phân tích không gian có thể chỉ ra mối liên hệ giữa các kho dự trữ carbon của rừng và khu vực quan trọng cho đa dạng sinh học. Nhờ thế, các phân tích có thể giúp xác định các khu vực có thể triển khai REDD+ để mang lại lợi ích cho cả mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu và duy trì đa dạng sinh học, đồng thời giúp xác định những đánh đổi có thể.
Hiện nay, chúng ta đã có các bản đồ kho dự trữ carbon toàn cầu, song các bản đồ này vẫn cần được hoàn thiện để có thể đồng thời xác định được kho dự trữ carbon đang bị đe dọa nhất (do phát triển nông nghiệp, khai thác gỗ, hỏa hoạn hoặc các hiểm họa khác) và khu vực tiềm năng để tăng cường dự trữ carbon thông qua phục hồi, tái trồng rừng hay quản lý bền vững.
Nhiều công cụ đánh giá về đa dạng sinh học, từ các bộ dữ liệu toàn cầu tới các bộ dữ liệu của khu vực và quốc gia cũng đã được thiết lập. Trung tâm Giám sát Bảo tồn Thế giới thuộc Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cũng đã tối ưu hóa những bộ dữ liệu này ở các cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, đồng thời cung cấp các minh họa quan trọng về cách thức sử dụng phân tích không gian kết hợp các đánh giá đa dạng sinh học vào lập kế hoạch triển khai REDD+.
Các quốc gia cũng bắt đầu áp dụng các thông tin nghiên cứu không gian về đa dạng sinh học vào việc triển khai các chiến lược cấp quốc gia để giảm phá rừng, suy thoái rừng và ưu tiên các khu vực cần nỗ lực bảo tồn. Các kịch bản phân tích không gian cũng đồng thời giúp các quốc gia ước đoán hiệu quả của các lựa chọn chính sách khác nhau và cách thức tốt nhất để lên kế hoạch triển khai REDD+.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra ở đây là các mô hình và kịch bản có thể dựa trên những tổng kết chưa được kiểm nghiệm thực tế một cách chặt chẽ và có thể thiếu các dữ liệu cần thiết. Thêm nữa, các mô hình này còn đòi hỏi thông tin về chi phí – lợi ích của các cách thức sử dụng đất và các lựa chọn quản lý đất khác nhau (bao gồm cả chi phí cơ hội của bảo tồn rừng). Trong khi đó, dù rất cần thiết cho các quyết định quản lý, các thông tin này lại khó thu thập.
Có một công cụ khác nằm trong Bộ Tiêu chuẩn Môi trường Xã hội REDD+ được Liên Minh Khí hậu, Cộng đồng và Đa dạng Sinh học (CCBA) cùng Tổ chức Care Quốc tế lập nên. Bộ tiêu chuẩn này gồm các nguyên tắc, tiêu chí và chỉ số được thiết lập để hướng dẫn các quốc gia triển khai và thực thi các chiến lược REDD+ ở cấp quốc gia hoặc địa phương với đảm bảo rằng các vấn đề môi trường và xã hội sẽ được xét đến.
Bộ tiêu chuẩn nói trên cũng đề xuất quy trình giám sát, báo cáo và thẩm tra các khía cạnh xã hội, môi trường của các chương trình REDD do chính phủ triển khai. Hiện nay, bộ tiêu chuẩn này đang được kiểm nghiệm ở nhiều quốc gia như Nepal, Ecuador, Tazania và Brazin nhằm xác định tính khả thi, hiệu quả, chi phí… trong thực tế. Nếu bộ tiêu chuẩn này chứng minh được tính hiệu quả và được áp dụng rộng rãi ở các nước tham gia REDD, nó có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập các tác động xã hội và môi trường của REDD+.
Cuối cùng, việc giám sát các tác động từ triển khai REDD+ đối với đa dạng sinh học có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc theo dõi hiệu quả và xác định những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo lợi ích của đa dạng sinh học.
Các phương pháp và cách tiếp cận tiêu chuẩn để giám sát các phương diện nhất định của đa dạng sinh học hiện đã có. Công việc triển khai một khung pháp lý nhằm đánh giá và giám sát đa dạng sinh học cho mục tiêu 2010 và xa hơn của Công ước Đa dạng sinh học đã và đang được triển khai. Kết hợp những sáng kiến như vậy và áp dụng phù hợp một số phương pháp đánh giá REDD+ đã có sẽ giúp hỗ trợ quá trình giám sát, báo cáo và thẩm tra REDD+. Tuy nhiên, thách thức chính là đảm bảo rằng phải có nguồn tài chính cần thiết và ổn định cho việc thiết lập cơ sở đa dạng sinh học và trang trải các chi phí giám sát đa dạng sinh học về lâu dài ở quốc gia triển khai REDD+.
Tóm lại, REDD+ là một sáng kiến đầy tiềm năng để thay đổi tương lai bảo tồn các cánh rừng nhiệt đới và mang lại những lợi ích quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, mức độ của những lợi ích này mang lại sẽ phụ thuộc vào việc cơ chế REDD+ quốc tế được thiết kế và triển khai ra sao. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều các phân tích và công cụ mà các nhà xây dựng chính sách và quản lý rừng có thể sử dụng để tìm hiểu tác động của các thiết kế REDD+ khác nhau lên bảo tồn đa dạng sinh học cũng như giúp hợp nhất các đánh giá về đa dạng sinh học vào việc triển khai các hoạt động của REDD+ trên thực địa. Song quan trọng là các nước chuẩn bị triển khai REDD+ phải đảm bảo áp dụng đầy đủ các công cụ và mô hình hiện có để tăng cường các cơ hội bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu rủi ro và định hướng thực thi REDD vào những khu vực mang lại lợi ích cao nhất đối với cả giảm nhẹ biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.
REDD: công cụ ứng phó của các nước công nghiệp?
REDD và nguy cơ tham nhũng