ThienNhien.Net – Dưới sức ép cắt giảm khí thải, Trung Quốc đang mạo hiểm đánh đổi hệ sinh thái sông và các điểm nóng đa dạng của mình lấy các đập thủy điện – Đó là ý kiến của ông Peter Bosshard, giám đốc chính sách của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế trong một bài viết đăng trên tờ <i>Guardian</i> mới đây, xin được giới thiệu cùng bạn đọc.
Năm 2007, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia phát thải lớn nhất thế giới. Kể từ đó, không chỉ Châu Âu và Mỹ mà ngay cả các quốc gia đang phát triển cũng như Liên minh các quốc đảo nhỏ đều gây sức ép buộc Bắc Kinh thực thi các biện pháp cắt giảm khí thải.
Trước sức ép đó, năm 2009 tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu Copenhagen, Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm cường độ carbon (carbon intensity) – lượng khí thải tính trên mỗi đơn vị tăng trưởng kinh tế – ít nhất 40% đến năm 2020. Và mục tiêu đầy tham vọng này đã trở thành ưu tiên chính trị quan trọng nhất của chính phủ Trung Quốc. Bản dự thảo kế hoạch phát triển 5 năm được Quốc hội Trung Quốc thảo luận tới đây cũng sẽ có nội dung thuế môi trường và các giải pháp cắt giảm carbon khác.
Kế hoạch 5 năm này sẽ bao gồm các nỗ lực riết ráo xây đập thủy điện, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nếu được thông qua, kế hoạch cắt giảm khí thải này có thể sẽ mang lại cho Trung Quốc những hệ lụy không mong muốn. Nó có thể phá hủy mãi mãi các dòng sông lớn của Trung Quốc và các điểm nóng đa dạng sinh học quan trọng của thế giới.
Chỉ tính đến nay Trung Quốc đã có nhiều đập thủy điện trên lãnh thổ của mình hơn bất cứ quốc gia nào khác. Và chính Trung Quốc cũng đã phải trả giá đắt cho sự phát triển này. Các con đập của Trung Quốc ước tính đã khiến 23 triệu người phải di dời chỗ ở. Sự cố nứt vỡ đập ở đất nước này với hồ sơ an toàn tệ hại nhất thế giới đã giết hại chừng 300 000 người. Các bằng chứng khoa học cũng chỉ ra rằng chính con đập Tử Bình Bạc (Zipingpu Dam) của Trung Quốc đã gây nên trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên năm 2008. Các đập nước đồng thời là thủ phạm gây nên sự mất mát lớn về đa dạng sinh học của Trung Quốc và là nguyên nhân đẩy các loài thủy sinh quý hiếm tới nạn tuyệt chủng, như Cá heo sông Dương Tử.
Nằm trong mục tiêu cắt giảm carbon, chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch thông qua các dự án thủy điện mới với tổng công suất lên tới 140 GW trong 5 năm tới. Trong khi đó, Brazin, Mỹ và Canada mỗi nước chỉ có khoảng 75 đến 85 GW công suất thủy điện trong suốt cả lịch sử phát triển của mình. Để đạt được kế hoạch này Trung Quốc sẽ phải xây nhiều bậc thang thủy điện trên nhiều con sông phía Tây Nam Trung Quốc và Cao nguyên Tây Tạng, khu vực sinh sống của các dân tộc thiểu số, với hệ sinh thái mỏng manh, giàu có về đa dạng sinh học và có nhiều hoạt động địa chấn.
Chưa hết, như báo hiệu cho một xu hướng mới, chính phủ Trung Quốc gần đây còn tuyên bố có thể sẽ cho phép xây các đập thủy điện trên con sông Nộ Giang (cách người Trung Quốc gọi con sông Salween trên phần lãnh thổ của mình) – dòng sông ban sơ nằm ở trung tâm của một Di sản Thế giới. Chính phủ Trung Quốc cũng đã đồng ý thu hẹp lại khu dự trữ thủy sản quan trọng nhất trên sông Dương tử, vì thế một kế hoạch thủy điện mới có thể sẽ được khởi động tại đây.
Vô số các đập thủy điện khác cũng đang được các chính quyền địa phương cấp tỉnh và các công ty năng lượng nhà nước của Trung Quốc triển khai. Trước kia, những đơn vị này thường được giám sát bởi các nhà hoạt động môi trường, báo chí và các quan chức chính phủ – cầu nối đưa tiếng nói và nguyện vọng của người dân đến với các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc. Song điều này đã thay đổi kể từ Hội nghị Copenhagen. Các áp lực quốc tế về hạn chế khí thải nhà kính hiện nay là nhân tố quan trọng duy nhất đằng sau việc đẩy mạnh phát triển thủy điện của Trung Quốc.
Vẫn biết biến đổi khí hậu là mối đe dọa môi trường nghiêm trọng nhất mà thế hệ chúng ta đang phải đối mặt. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế nên đối phó với mối đe dọa này theo cách thức toàn diện, không vì thoát khỏi tai ương này mà đẩy tương lai của Trái đất đến gần các thách thức khác. Thế giới đang mất đa dạng sinh học ở mức báo động. Và chính các dòng sông, hồ nước và đầm lầy lại đang phải đối mặt với những thay đổi nghiêm trọng hơn bất cứ hệ sinh thái nào khác. Trong khi đó, chính vì xây đập và các tác nhân khác, dân số các loài thủy sinh đã suy giảm một nửa kể từ năm 1970 đến 2000 và hơn 1/3 các loài cá nước ngọt đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Đúng như lời của Chủ tịch Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc cảnh báo năm ngoái, sẽ thật ngạo mạn nếu cho rằng nhân loại có thể sống sót mà không cần tới đa dạng sinh học. Nếu giảm khí thải bằng cách tăng nguy cơ cho đa dạng sinh học, thì chẳng khác nào chúng ta hy sinh động mạnh chủ để cứu lấy lá phổi của hành tinh này. Trung Quốc không chỉ có bổn phận về mặt đạo đức phải tham gia vào cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, đất nước này còn có nghĩa vụ bảo vệ hệ sinh thái theo Công ước về Đa dạng Sinh học.
Cuối cùng, Trung Quốc xứng đáng được ghi nhận vì nỗ lực hạn chế khí thải nhà kính trên đầu người ở mức thấp hơn nhiều so với các nước công nghiệp. Song, các nhà lãnh đạo thế giới cần cho chính phủ Trung Quốc biết rằng họ không muốn Trung Quốc phá hủy các dòng sông và đa dạng sinh học mà họ đang hết lòng gìn giữ để đạt được các mục tiêu carbon đầy tham vọng của Trung Quốc.