ThienNhien.Net – Trở về từ chiến trường với mức thương tật 2/4, mất một bàn tay bởi đạn pháo, lại bị nhiễm chất độc dioxin nhưng ông Quách Công Lịch đã tiên phong nhận 27 ha đồi trọc, biến nó thành trang trại rừng xanh tốt, trở thành tấm gương về ý chí cho bà con xã miền núi cao Phượng Nghi, huyện Như Thanh, Thanh Hóa noi theo.
Ông Quách Công Lịch được bà con yêu mến gọi là Ba Lịch, đã xuất ngũ về quê từ năm 1991. Nhận thấy nguồn lợi rừng ở quê hương giàu có nhưng những cánh rừng xanh tốt cứ lần lượt bị đốn hạ để bán lâm sản, để trồng nương rẫy…, mà cái nghèo đói vẫn bám riết, khiến ông Ba Lịch băn khoăn, trăn trở.
Năm 1993, Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng, trong những diện tích đất trống, đồi trọc không ai nhận, ông lại động viên vợ cùng nhận 27 ha đất đồi trọc và số rừng nguyên sinh để bảo vệ.
Những ngày đầu gian nan, cơ cực giữa mảnh đất hoang vu không mấy người qua lại khiến nhiều lúc hai vợ chồng gục ngã nhưng ông vẫn động viên người vợ thủy chung của mình, “chỉ cần vẫn còn sức khỏe và 3 bàn tay còn lại, thì khổ mấy hai vợ chồng ta cũng vượt qua được”.
Thế là chỉ với hai con trâu và một con bò được cấp từ ngày xuất ngũ, ông cùng vợ mắc võng, dựng lều tạm giữa khu đồi hoang chưa người ở để gây dựng cơ ngơi, sống nhờ vào số gạo trợ cấp 13kg/tháng và tiền phụ cấp 180 ngàn đồng của thương binh. Và ngày qua ngày, ông vừa chăn thả trâu, bò, vừa rào chắn, khoanh vùng đất đai, cuốc gốc cây, vỡ đất rừng chỉ bằng một bàn
tay.
Với suy nghĩ lấy ngắn nuôi dài, những loại cây kinh tế được ông đưa vào trồng đầu tiên, như cây sắn, ngô và lúa nương. Rồi ông đi nhiều nơi tìm kiếm các gốc Luồng hay chiết cành mang về trồng xen kẽ trên đất trồng sắn và tiếp tục mở thêm nhiều
diện tích đất hoang để trồng Keo.
Biến sỏi đá thành cơm
Sau bao vất vả ban đầu, đất rừng đã trả công cho ý chí người thương binh vượt khó.
Ông thu hoạch số Luồng đầu tiên cho giá trị hơn 3 triệu đồng, vào thời điểm 1996. Sau đó, ông bắt đầu cải tạo các dòng suối thành ao nuôi cá, với diện tích lên đến 6.000m2 ao cá và ruộng lúa cá kết hợp. Nuôi thêm đàn vịt trên trăm con, cùng gà thả vườn, gà nuôi nhốt lấy trứng.
Hiện ông Ba Lịch còn phát triển thêm khu vườn cây ăn quả với hơn 200 gốc xoài, gần 100 gốc vải, nuôi thêm bầy ong mật và thỏ. Đến nay trang trại hàng năm cho lãi trên 30 – 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ông còn để cho rừng sinh thái tự nhiên phục hồi, giờ đã rất xanh tốt và được ông thường xuyên chăm sóc, bảo vệ. Kết quả ấy khiến bà con nhân dân khâm phục và học hỏi noi theo.