ThienNhien.Net – Với mong muốn đổi đời, thời gian gần đây, hàng trăm người dân ba xã Xuân Chinh, Vạn Xuân, Xuân Lệ (huyện Thường Xuân – Thanh Hóa) đang cuốn theo cơn lốc tìm vàng. Và hậu quả để lại cho môi trường là những bãi công trường ngổn ngang đất cát, đồi núi tan hoang và nước sông ô nhiễm.
Ngày nào cũng vậy, cứ tờ mờ sáng, từng đoàn người ở cả ba xã trên lại nhốn nháo gọi nhau đi đãi vàng như đi trẩy hội. Tiếng cuốc xẻng, xe thồ làm tan đi không gian hoang sơ, yên tĩnh nơi núi rừng. Hàng trăm con người, già có, trẻ có… nối đuôi nhau như đoàn quân đi khai phá vùng đất mới.
Để đến được nơi khai thác vàng người dân phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ đường rừng. Tại hiện trường, từng nhóm người chia nhau ranh giới, khoanh vùng rồi mạnh ai nấy làm, cảnh tượng như một đại công trường với ngổn ngang đá cát và dòng nước đục đỏ ngầu.
Không máy móc, dùng sức lực mình là chính, họ hì hục đào đãi. Thanh niên thì đào, phụ nữ thì đãi còn trẻ con phụ giúp, cứ như thế suốt từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà.
Anh Chương, một thanh niên có thâm niên đãi vàng 2 năm nơi đây cho hay: ‘Không có việc làm, thấy nhiều người rủ nên mình cũng đi theo. Làm cái nghề này bỏ mạng như chơi. Có khi đi cả tháng lại về không”.
Ước mơ đổi đời nhờ vàng của người dân để lại hệ lụy là sự hủy hoại thiên nhiên, môi trường. Con sông nằm ngay dưới chân đồi Lệ Khê vốn hiền hòa, trong vắt ngày nào giờ bị quấy đảo đục ngầu, ngổn ngang đá cát. Dòng sông này một thời là nơi mưu sinh của hàng chục hộ dân làm nghề chài lưới thì nay không có một sinh vật nào sống được. Đồi Lệ Khê bị khoét sâu thảm hại gây nên những chỗ lở nguy hiểm. Cứ đến mùa mưa, hiện tượng lở núi, lũ quét nơi đây lại tái diễn.
Chỉ tay về dòng sông, chị Nguyễn Thị Lơi, một người dân sống cạnh dòng sông mắt buồn rượi: “Ngày trước cả nhà tôi sống nhờ sông Lệ đó, giờ có muốn kiếm con cá để ăn cũng đành chịu bởi nước sông ô nhiễm do nạn khai thác vàng hoành hành nhiều năm nay”.
Tình trạng khai thác vàng ở huyện Thường Xuân diễn ra công khai và trắng trợn. Được biết chính quyền nơi đây đã nhiều lần đến thuyết phục, tuyên truyền và ra tay xử lý, xử phạt hành chính nhưng chỉ như ném đá ao bèo, được ít hôm rồi lại đâu vào đấy.
Thiết nghĩ, để nạn “vàng tặc” chấm dứt, các cấp ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc quyết liệt hơn.