ThienNhien.Net – Hiện tại, Hà Nội đã bắt đầu chiến dịch giải cứu cụ Rùa và Hồ Gươm giai đoạn 1 bằng việc tạo bãi sưởi nắng cho rùa Hồ Gươm, bắt rùa tai đỏ, bơm nước sạch vào hồ và nạo vét bùn đáy. Bằng những hiểu biết của mình ở lĩnh vực này, tôi xin góp vài ý kiến liên quan đến việc nạo vét bùn đáy Hồ Gươm.
Hồ Gươm hiện tại là một dạng hồ nước tù đọng, bị ô nhiễm bởi các loại nước thải sinh hoạt đô thị, mật độ tảo trong hồ rất cao lên đến hơn 16 triệu đơn vị tế bào/lít, nước hồ xanh nhớt, hàm lượng ô xy hòa tan trong nước thấp. Thêm vào đó, đáy hồ có đủ loại rác cứng, vật rắn, kim loại… lượng bùn đáy rất dày và là trầm tích của hàng trăm năm, mức độ ô nhiễm của bùn đáy có thể liệt vào loại chất thải nguy hại.
Hình ảnh vỏ ốc dưới đáy hồ nổi lên khi công nhân vớt bùn cho thấy tầng nước đáy ô nhiễm rất nặng. Sự suy giảm ô xy hòa tan trong tầng đáy, kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật là nguyên nhân làm chết các động vật tầng đáy. Trong một lần lấy mẫu phân tích đã cho kết quả lượng DO trong nước tầng đáy hồ Gươm chỉ còn 0,01mg/lít, thấp hơn gấp 200 lần mức cho phép. Đánh giá chất lượng nước theo chỉ số sinh học Bio-Index, nếu không còn động vật không xương sống ở tầng đáy có thể khẳng định mức độ ô nhiễm của hồ Gươmg là rất nặng.
Chất lượng nước và bùn đáy chính là hai nguyên nhân trực tiếp làm cụ Rùa bị thương và suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, một trong những công việc quan trọng bên cạnh việc chữa trị các vết thương và phục hồi sức khỏe cụ Rùa là tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường nước, kiểm soát tảo độc và nạo vét bùn đáy.
Quá trình nạo vét bùn đáy được tiến hành theo phương pháp dùng bơm hút bùn. Theo công nghệ này không cần đóng cọc đắp bờ chia hồ thành từng ngăn như các giải pháp khác mà chỉ cần căng dây chia thành từng ô có diện tích 1000m2 để hút lần lượt theo hình thức cuốn chiếu.
Đặc biệt, khi nạo vét, cần sử dụng các máy dò kim loại rà xét thật kỹ đáy hồ nhằm phát hiện và vớt tất cả kim loại và các vật cứng khác.
Thêm một lưu ý quan trọng nữa, đó là việc nạo vét bùn đáy chắc chắn sẽ làm thay đổi mức độ ô nhiễm của nước trong hồ theo chiều hướng xấu đi. Lượng kim loại nặng trong nước sẽ gia tăng, khí độc sẽ thoát ra nhiều hơn, lượng ammoniac sẽ tăng cao đột biến, kéo theo lượng ô xy hòa tan giảm thấp hơn nữa, các vi khuẩn yếm khí gia tăng…
Kinh nghiệm thu được qua lần nạo vét thí điểm bùn đáy Hồ Gươm năm 2009 bằng công nghệ của Đức cho thấy lượng Amoni (NH4+) sau khi tách bùn cao gấp hơn 13 lần mức cho phép. Để giải quyết vấn đề này, xin đưa ra mấy giải pháp như sau: Bơm thêm nước sạch vào hồ để hòa loãng các thông số ô nhiễm trong nước; cấp tốc xử lý ô nhiễm nước gia tăng tại khu vực đã hút bùn; đưa cụ Rùa về chỗ cố định rồi mới tiếp tục hút bùn và nạo vét trên diện rộng, nếu không thì không chỉ cụ Rùa mà cả các sinh vật thủy sinh khác cũng khó sống.