ThienNhien.net – Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, công nghệ viễn thám được coi như một công cụ quan trắc hữu ích nhằm theo dõi những biến động của môi trường theo thời gian, phát hiện kịp thời những ảnh hưởng bất lợi của các hiện tượng thiên nhiên và tác động của con người lên sự phát triển bền vững.
Năm 2011, Trung tâm Viễn thám Quốc gia sẽ tiến hành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/5.000 khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); thành lập bộ bản đồ biến động đường bờ biển Việt Nam tỷ lệ 1/100.000 cho toàn tuyến bờ và tỷ lệ 1/25.000 cho các đoạn bờ trọng điểm giai đoạn 1965 – 2010 bằng ảnh viễn thám,… Trung tâm tiếp tục đầu tư trang thiết bị, bảo trì Trạm thu ảnh vệ tinh phục vụ giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Cũng trong năm 2011, Trung tâm phấn đấu sẽ phủ trùm khoảng 60% lãnh thổ Việt Nam với dữ liệu ảnh SPOT5…
Ông Phạm Việt Hồng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: “Những hiện tượng thiên nhiên thường được quan trắc là theo dõi những diễn biến lũ lụt và đánh giá tác động của chúng, đồng thời đề xuất các biện pháp dự báo và phòng tránh hiệu quả; theo dõi hiện tượng cháy rừng và các dạng mất rừng, thái hóa rừng… Quan trắc đánh giá những tai biến môi trường như sạt lở đất, hoặc xói mòn đất, thoái hóa đất, thoái hóa rừng… Ngoài những hiện tượng biến đổi trong thiên nhiên có tính chất toàn cầu, trên diện rộng như suy giảm diện tích rừng, sa mạc hóa, thay đổi bề mặt nhiệt độ nước biển, một số hiện tượng ô nhiễm có tính chất liên lục địa cũng được quan trắc và xử lý bằng công nghệ viễn thám.”
Việc tích hợp tư liệu viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường mang ý nghĩa to lớn bởi nhiều ưu điểm như giàu thông tin, chu kỳ thu nhận thông tin ngắn, xử lý thông tin trên diện rộng, không phụ thuộc vào tình hình kinh tế-xã hội trên mặt đất. Đây là công cụ hữu hiệu giúp cho việc nghiên cứu, điều tra tài nguyên và nắm bắt thông tin nhanh chóng, đồng bộ trên diện rộng.
Dữ liệu viễn thám khi tích hợp với GIS sẽ là nguồn tư liệu khách quan mang tính kế thừa và đổi mới liên tục trong bản đồ số, thực sự trở thành công cụ hiệu quả trong nghiên cứu sự biến động của các thành phần tài nguyên-môi trường trên bề mặt đất và là tư liệu đáng tin cậy cho các nhà chuyên môn tham khảo trong nhiều lĩnh vực.
Tiêu biểu nhất là ứng dụng công nghệ viễn thám- GIS để đánh giá tác động môi trường lưu vực sông sông Cầu, qua đó đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất và lớp phủ mặt đất lưu vực sông này, có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng đối với vấn đề quy hoạch và quản lý môi trường lưu vực sông Cầu của 6 tỉnh phía Bắc gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Hải Dương.