ThienNhien.Net – UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm gồm 13 thành viên do Bác sỹ thú y Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng này có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc dẫn dắt rùa Hồ Gươm về chân Tháp Rùa và bể lưu giữ để chữa trị, chăm sóc; trực tiếp thực hiện các công việc khám, lấy mẫu, xét nghiệm, chẩn đoán, chữa trị các thương tổn của Rùa; đảm bảo các điều kiện về an toàn, môi trường và chăm sóc sức khỏe “cụ” Rùa trong quá trình chữa trị.
Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng có thể mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm để tham gia khám, chữa trị, chăm sóc rùa Hồ Gươm.
Dự kiến trước ngày 05/03, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ hoàn thành thiết kế hàng rào phục vụ việc đưa “cụ” rùa lên chữa trị tại khu vực chân tháp Rùa.
Từ 2 hôm nay, Hồ Gươm đã bắt đầu được nạo vét bùn, xử lý chất thải cục bộ và bơm nước vào với nguồn từ nhà máy nước Yên Phụ. Công ty nước sạch Hà Nội sẽ bơm nước liên tục từ nay cho đến khi mực nước hồ tăng lên 7,70m (dự kiến mất khoảng 40-50 ngày).
Cùng thời điểm này, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tiến hành đặt bẫy bắt rùa tai đỏ tại Hồ Gươm sau khi thử nghiệm thành công tại khu vực hồ Mỗ Lao và hồ Văn Quán (Hà Đông).
Với năm chiếc bẫy nổi đầu tiên được đặt ở phía đền Ngọc Sơn, tổ công tác chịu trách nhiệm bắt rùa tai đỏ hy vọng sẽ bắt được nhiều rùa tai đỏ, góp phần cải thiện môi trường sống cho “cụ” rùa Hồ Gươm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và các nhà khoa học, để rùa tai đỏ ở Hồ Gươm và các hồ khác bị tiêu diệt một cách triệt để, người dân cần tuyệt đối không phóng sinh rùa tai đỏ và các sinh vật ngoại lai xuống hồ.
Ngoài ra, nhiều hạng mục công việc khác nhằm mục đích cứu chữa, cải thiện môi trường sống cho rùa Hồ Gươm cũng đang được tiếp tục khẩn trương triển khai.