ThienNhien.Net – Thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc và lồng ghép nhiều dự án, chương trình mục tiêu quốc gia; nước sinh hoạt tại các xã, thị trấn miền núi của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đã có nhiều cải thiện. Song, việc sử dụng vẫn còn nan giải đối với nơi dân cư thưa thớt và những hộ ở xa đường ống dẫn.
Nằm giữa khu vực giáp ranh Văn Giáo – An Phú – An Cư, hồ nước chùa Rô không chỉ phục vụ cho người dân Vĩnh Thượng, mà dân cư bên chùa Cây Khoa và ngoài Văn Giáo cũng vào đây lấy nước về dùng. Ông Chau Done, ở tổ 1 nói: “Bà con ở đây sống nhờ hồ nước chùa Rô. Tháng này, xung quanh khô hạn, hổng biết mần gì hơn. Vùng cao, muốn tìm mạch nước hổng phải chuyện dễ”. Mùa khô năm 2007, thông qua Chương trình 134, tỉnh An Giang cho xây trạm cấp nước tại chùa Rô và lấy nguồn của hồ chứa này để bơm phục vụ. Bà Neáng Thươne, ở tổ 5 khoe: “Có nước máy rồi, bơm tới tận nhà, hổng còn đi gánh như trước. Sướng lắm. Bà con cảm ơn Đảng và Nhà nước”.
Năm 2004, Trung ương Hội Nông dân tài trợ 100 triệu đồng, Hội Nông dân tỉnh An Giang và Hội Nông dân huyện Tịnh Biên phối hợp cải tạo hồ chứa nước chùa Rô (ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư), tạo trữ lượng chứa nước mạch tăng lên hơn 1.500m3. Đây là địa bàn vùng cao, thời tiết khắc nghiệt, có 286 hộ đồng bào Khơ-me với hơn 1.700 nhân khẩu. Đại đức Chau Khone, sãi cả chùa Rô, bảo rằng : “Hồ đã có sẵn, nhưng cạn dần. Được hỗ trợ tiền để nạo vét lại cho sâu thêm, chứa nước nhiều, đủ sức xài quanh năm. Đồng bào hết sức mang ơn Hội Nông dân”. Với đặc thù miền núi và vùng rừng, có hồ nước chùa Rô, đồng bào Khơ-me không còn sợ thiếu nước, thời gian từ 6 đến 8 tháng trong năm.
Ông Võ Thanh Liêm, Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, sau 4 năm triển khai Chương trình 134 của Chính phủ, đã thực hiện 54 công trình hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung (xây dựng trạm cung cấp và lắp đặt đường ống dẫn nước); nhờ vậy, tình trạng thường xảy ra khan hiếm nước sinh hoạt vào mùa khô tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (nhất là từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm) đã được khắc phục. Hầu hết, các xã, thị trấn miền núi và vùng có đồng đồng bào dân tộc thiểu số Khơ-me đều hệ thống cung cấp; bên cạnh còn có giếng ống, giếng khoan bơm tay và bể chứa rải rác trong phum, sóc. Nhiều tuyến dân cư ven tỉnh lộ, hương lộ và liên xã, liên huyện… vẫn có đường ống nước phục vụ sinh hoạt cho đồng bào.
Giáp ranh với Ba Xoài – An Cư, Sóc Tức được xem là “xa xôi, hẻo lánh nhất” của xã Lê Trì và toàn huyện Tri Tôn. Đầu màu khô này, có dịp trở lại đây, chúng tôi thấy trên gương mặt đồng bào tươi tắn lên hẳn, chứ không còn khô héo như trước kia. Ông Chau Chuôl, sãi cả chùa Đôn Câu kể: “Mấy năm trước, cuối tháng mười một và đầu tháng chạp, đồng bào phải đi chở nước ở xa về xài; nhà nào cũng chiết ra một người để mần chuyện này. Giờ đây có nước máy, nước giếng bơm tay, khó khăn giảm nhiều lắm. Đồng bào rất mừng”. Còn ông Chau Inh (ấp Sóc Tức) cho hay, nhờ có nước máy sinh hoạt thoải mái, rồi lấy tưới nấm bào ngư và nấm rơm tốt nhiều hơn nước giếng; nhiều người còn sử dụng chăn nuôi, hạn chế được dịch bệnh trong mùa khô hạn.
Đối với khu vực Chi Cà Mun (Cô Tô), Là Ca (Ô Lâm), Sà Lôn, Ta Miệt, Tà Dung (Lương Phi), Pông Rô, Rò Leng (Châu Lăng) ven chân đồi Tà Pạ (khoảng 1.000 hộ) giáp ranh 2 xã Núi Tô và An Tức… cũng đã có giếng xây, giếng bơm và nước máy phục vụ. Đến cuối năm 2010, tỉ lệ hộ có nước sử dụng ở huyện Tri Tôn chiếm hơn 97%, nếu tính riêng địa bàn miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì con số này có lẽ thấp hơn; do đặc thù định cư có nhiều hộ ở thưa thớt và những nơi xa đường ống dẫn làm trở ngại cho việc cung cấp. Mặt khác, sinh hoạt hàng ngày, đa số bà con trong phum, sóc đều ưa thích uống nước giếng xây, giếng đào, giếng bơm nhiều hơn; mà chưa quen sử dụng nước máy qua lắng lọc vì cho rằng có “mùi hôi” xứ lý của hóa chất. Chị Neáng Riêng (ấp Phước Long, xã Ô Lâm) cũng đã thú thiệt như vậy.
Điệp khúc bước sang mùa khô, rão quanh vùng Bảy Núi, ai cũng thấy hình ảnh người người đi gánh nước, lớp xe đạp, xe honda và xe ba gác chạy cời cời ngoài ruộng lấy nước; thậm chí tụ tập ở những giếng xây, giếng đào… ven đường, bởi mọi người đều bảo “nước trong như luộc hến, ngọt và ngon, dễ uống hơn nước máy”. Vả lại, địa bàn miền núi, vào mùa khô thì không phải giếng xây, cây giếng bơm nào trong phum, sóc cũng còn nước đủ xài; có trang bị bể chứa, nhưng nước không đủ xài thì lấy gì để chứa! Dẫu sao, bây giờ tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt ở Bảy Núi (tỉnh An Giang) đã được khắc phục và không còn căng thẳng như trước.