Cần lập tức pha loãng nước hồ để bảo vệ Cụ Rùa

ThienNhien.Net – Tôi đã có thời gian làm việc tại Trung tâm cứu hộ rùa Cúc Phương, cũng đã có nhiều dịp thảo luận với các nhà khoa học trong nước và quốc tế về giá trị khoa học cũng như giá trị tâm linh của Cụ Rùa Hoàn Kiếm. Hiện nay, tôi đang nghiên cứu tại trường Đại học Tsukuba (Nhật Bản) về vi khuẩn lam (còn gọi là tảo lam) gây độc cho các nguồn nước ngọt ở Việt Nam, trong đó có hồ Hoàn Kiếm. Đứng trước tình trạng sức khỏe của Cụ Rùa đang bị đe dọa, tôi xin chia sẻ với bạn đọc ThienNhien.Net vài lời mạn đàm.

Cụ Rùa Hoàn Kiếm nổi tiếng trên thế giới bởi Cụ thuộc loài rùa nước ngọt lớn nhất và hiếm nhất, được liệt kê ở cấp cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của IUCN năm 2006.

Đối với người Việt Nam, Rùa Hoàn Kiếm còn có ý nghĩa đặc biệt về giá trị tâm linh mà khó có gì thể thay thế được. Ông Bob Langton, nguyên thư ký của Hiệp hội Rùa Anh, khi nói về Cụ Rùa Hoàn Kiếm đã nhận xét đó là “cụ rùa cô đơn nhất hành tinh”.

Trong tiết giá lạnh của miền Bắc, dường như sự lạnh lẽo càng bủa vây khi Cụ phải sống trong một cái hồ vô cùng ô nhiễm với cơ thể đầy vết thương. Người ta thì vẫn mải mê với những cuộc tranh luận không có hồi kết mà chưa đưa ra bất cứ một hành động cụ thể nào để giúp Cụ. Còn xót xa hơn, khi thấy Cụ “hơi mệt”, một số người đã tính đến chuyện thay thế Cụ. Nhưng tiếc rằng việc đi tìm hậu thế cho Cụ là vô cùng khó, nếu không muốn nói là không thể.

Cụ Rùa Hoàn Kiếm, cũng như tất cả các loài rùa khác, là loài động vật biến nhiệt, vì vậy có nhu cầu phơi nắng để sưởi ấm cơ thể. Phơi nắng còn là tập tính tự nhiên của các loài rùa để tự chữa bệnh, tự làm khô các vết thương, hạn chế sự tấn công của các vi sinh vật gây bệnh. Tuy nhiên, để có được một không gian thỏa mãn nhu cầu cơ bản ấy của Cụ ở sinh cảnh hồ Hoàn Kiếm nay dường như là điều không thể.

Các loài rùa mai mềm nói chung có khả năng chống chịu tốt với nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ, với những nơi có sự phát triển mạnh mẽ của vi tảo và vi khuẩn lam (gọi là hiện tượng nở hoa nước). Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những cá thể bình thường, không bị thương hoặc bị thương nhẹ. Bằng chứng là chúng ta vẫn thường thấy xác ba ba chết trong các ao nuôi với nhiều vết thương lở loét.

Cụ Rùa đã tá túc trong hồ Hoàn Kiếm hàng trăm năm nay, có nghĩa môi trường hồ Hoàn Kiếm phù hợp với nhu cầu sống đơn giản của Cụ. Nhưng hiện nay sinh cảnh đã bị thay đổi và chất lượng nước hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng, điều này chắc chắn có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự trường thọ của Cụ.

Như một quy luật tự nhiên, động vật hoang dã không có loài nào hứng thú với sự tác động của con người. Trong điều kiện sống không phù hợp, chúng thường có những hành động bất thường biểu hiện trạng thái “stress”. Việc Cụ Rùa lồng lộn cắn vào đường ống trong hồ, cố trườn lên bờ hoặc nổi nhiều giờ hơn cũng là những dấu hiệu của sự ức chế vượt giới hạn.

Đã có rất nhiều bài báo đề cập đến sức khỏe Cụ Rùa và môi trường nước của hồ Hoàn Kiếm nhưng chưa thấy tác giả nào đề cập đến sự nở hoa nước mạnh mẽ của vi khuẩn lam trong hồ Hoàn Kiếm. Có người còn gán “lục thủy” mới chính là đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm. Nhưng đó là nói văn chương vậy thôi chứ chưa có ai so sánh được “màu xanh của ngày xưa” và “màu xanh của ngày nay” khác nhau như thế nào. Nếu xét về mặt khoa học thì rõ ràng màu xanh của Hồ Gươm như hiện nay không phải là dấu hiệu của sự trong lành, như vậy thì phải chỉ ra được nhân tố nào đã gây nên màu xanh đó. Nếu so sánh với rùa Tai đỏ thì “màu xanh” trong nước hồ Hoàn Kiếm còn ảnh hưởng đến sức khỏe của Cụ Rùa gấp nhiều lần.

Với những số liệu nghiên cứu chưa công bố của mình trong hai năm 2009 và 2010, tôi khẳng định rằng nước hồ Hoàn Kiếm đã bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi sự nở hoa nước của vi khuẩn lam Microcystis. Thành phần chủ yếu của lớp vi sinh vật màu xanh nổi trên tầng mặt là hai loài Microcystis. Một trong hai loài đó có khả năng sinh độc tố microcystin. Kết quả từ các mẫu của hồ Hoàn Kiếm đã được kiểm tra bằng các phương pháp là ELISA, sử dụng máy sắc ký lỏng gắn khối phổ (LC-MS) và phân tích gene quy định tổng hợp microcystin.

 
Tao lam
Loài vi khuẩn lam Microcystis có khả năng sinh độc tố microcystin trong hồ Hoàn Kiếm (ảnh chụp trong đợt khảo sát tháng 2/2010)

Microcystin là độc tố khó phân hủy, gây tổn thương gan, rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh, rối loạn tuần hoàn ở người và động vật. Chúng có thể tác động ngay tức khắc hoặc lâu dài. Nhiều loài động vật được ghi nhận là đã bị chết do độc tố Microcystin như là trâu bò ở Ca-na-đa, cừu ở Úc, chim nước, cá , chồn xạ ở Phần Lan, ba ba ở An-giê-ri, v.v.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã đưa ra tiêu chuẩn cho phép đối với microcystin trong nước sinh hoạt. Đối với Cụ Rùa, ngoài việc phải hấp thu microcystin trực tiếp từ nguồn nước, Cụ còn bị tích lũy microcystin qua chuỗi thức ăn là các con mồi của Cụ.

Mực nước hồ Hoàn Kiếm đã xuống ở mức rất thấp, kết hợp với sự phát triển mạnh của vi khuẩn lam Microcystis có thể làm cho nồng độ microcysin trong nước ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, Cụ Rùa đang bị tổn thương da, bị stress và nếu không được phơi nắng thì sự xâm nhập của microcystin lên các cơ quan nội tạng của Cụ sẽ càng dễ dàng hơn.

Trước những biểu hiện bất thường về sức khỏe của Cụ Rùa hiện nay, những giải pháp lâu dài có thể thảo luận sau nhưng các nhà chức trách cần có hành động kịp thời là bổ sung nước sạch vào hồ Hoàn Kiếm để pha loãng độ ô nhiễm của nước và làm thay đổi độ pH của nước nhằm kìm hãm sự phát triển của các loài vi sinh vật trong đó có Microcystis. Mực nước cao cũng sẽ làm giảm căng thẳng đối với Cụ Rùa trước khi có một hệ thống giải pháp được bàn bạc kỹ lưỡng có thể thực thi.