ThienNhien.Net – Với giải pháp lắp đặt tuyến ống cấp nước sạch ngầm băng phá Tam Giang, hàng chục nghìn người dân sống tại đầm phá lớn nhất Đông Nam Á đã được dùng nước sạch sau nhiều năm chờ đợi.
Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, nằm trên địa bàn 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc, với tổng chiều dài trên 70km, án ngữ toàn bộ chiều dài của tỉnh Thừa Thiên Huế, với vựa nước rộng mênh mông có diện tích gần 250km2.
Mặc dù bốn bề là nước, nhưng từ lâu nay, vùng quê này lại thiếu nước ngọt trầm trọng, đặc biệt là nước sạch, vì nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn và phèn, nguồn nước mặt lại bị ô nhiễm bởi các hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, khai thác khoáng sản…
Thực trạng đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của hàng chục nghìn hộ dân, làm giảm khả năng khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng phục vụ các chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, vào cuối năm 2008, ông Trương Công Nam, Giám đốc TNHH Nhà nước MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) cùng Công ty của mình đã nghiên cứu và đề xuất “Giải pháp lắp đặt tuyến ống cấp nước sạch ngầm băng phá Tam Giang”, được Hội đồng khoa học Huế đánh giá cao và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt. Đề tài trên đã đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học của tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 4 năm 2009.
Giải pháp trên đã giải quyết được những khó khăn về mặt địa hình tại đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, tiết kiệm thời gian thi công, chi phí đầu tư dự án…
Tính sáng tạo của giải pháp kỹ thuật
Tính đột phá của dự án này là sử dụng ống nhựa chất lượng cao (loại ống nhựa siêu bền HDPE) thay cho các loại ống gang, thép truyền thống, tránh được vấn đề ăn mòn đường ống trong điều kiện thi công ngầm ở các hệ đầm phá, tiếp xúc với nguồn nước có độ mặn cao.
Để thực hiện dự án, HueWACO còn chế tạo thành công 3 tàu cuốc để hỗ trợ thi công, chôn ngầm đường ống sâu 1,2m dưới
đáy phá, với tầng nước sâu từ 1 – 7m đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công.
Các mối nối trước, trong và sau khi lắp đặt cho đường ống, được thực thực hiện phương pháp đấu nối bằng máy hàn gia nhiệt trên bờ thành từng đoạn dài 60m, đã giảm tối đa số mối nối, đảm bảo an toàn, bền vững cho đường ống.
Bên cạnh đó, Công ty đã nghiên cứu, sản xuất thành công rùa bằng bê tông hình chữ U (trọng lượng 70kg/chiếc, cự ly 2,0m/chiếc), néo cột ống bằng dây chao, không bị mục để chắn ống, nhằm chống lực đẩy nổi, cố định đường ống dưới đáy đầm phá.
Dự án thành công đã thay đổi cơ bản nhận thức, cách tiếp cận trong việc thiết kế, thi công hệ thống cấp nước, đặc biệt là đối với các vùng dân cư biệt lập, cách trở bởi hệ thống sông ngòi, đầm phá, vùng biển, hải đảo…
Mở ra hướng đi mới trong việc thi công lắp đặt các tuyến ống truyền tải, cấp nước sạch trong các điều kiện địa hình hiểm trở. Đây là giải pháp kỹ thuật mới, lần đầu tiên được áp dụng và phổ biến đối với ngành cấp nước Việt Nam.
Hiệu quả kinh tế- xã hội cao
Theo ông Trương Công Nam, nếu thi công theo phương án truyền thống, phải đầu tư mở rộng, nâng công suất nhà máy nước Hoà Bình Chương, cộng với 60km đường ống kim loại và 4 trạm tăng áp với chi phí lên đến 77 tỷ đồng.
Với phướng án mới, chỉ cần đầu tư thi công 11,8 km đường ống nhựa chất lượng cao (có 3 km băng ngầm phá Tam Giang) với tổng chi phí 6,3 tỷ đồng, giảm hơn 70 tỷ đồng so với phương pháp truyền thống.
Ngoài ra, với phương án này, Công ty còn có thể nâng công suất cung cấp nước lên 9.000 m3/ngày đêm do khai thác có hiệu quả các nguồn nước từ hệ thống nhà máy Hoà Bình Chương, Tứ Hạ và TP Huế, giảm chi phí đầu tư để nâng công suất nhà máy, thi công hệ thống đường ống, các trạm tăng áp cũng như các chi phí vận hành hệ thống.
Góp phần giảm giá nước sạch, ở vùng sâu, vùng xa. Rút ngắn thời gian thi công, đáp ứng nhanh nhu cầu sử dụng nước sạch, an toàn của nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo ở vùng đầm phá. Giảm tối đa số lần sự cố đường ống, tăng hiệu quả chống thất thoát nước. Thực hiện thắng lợi mục tiêu trên 75% dân số toàn tỉnh Thừa Thiên Huế được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước đô thị vào năm 2015.
Qua hơn 1 năm sử dụng, hệ thống cấp nước sạch ngầm băng phá Tam Giang đã phát huy được hiệu quả thiết thực, cung cấp nước sạch phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân các xã Quảng Công, Quảng Ngạn huyện Quảng Điền và các vùng phụ cận.
Khả năng áp dụng rộng rãi
Tiếp theo dự án băng ngầm phá Tam Giang, năm 2011, HueWACO sẽ tiếp tục triển khai dự án băng ngầm đầm phá Cầu Hai, Thủy Tú và phá Tam Giang ở thị trấn Thuận An để cấp nước sạch cho khoảng 13.800 hộ dân với hơn 76.000 nhân khẩu thuộc huyện Phú Vang và khoảng 6.400 hộ dân với hơn 35.400 nhân khẩu thuộc huyện Phú Lộc.
Các dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 26.600 hộ dân với hơn 146.900 nhân khẩu của thị trấn Thuận An và 16 xã vùng ven biển, đầm phá các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang và Phú Lộc, nhằm nâng cao tỷ lệ người dân dùng nước, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, phù hợp với chính sách, chiến lược biển của tỉnh và quốc gia.
Ngoài đầm phá, công trình giải pháp kỹ thuật này có thể áp dụng cho tất cả các đơn vị cấp nước trên toàn quốc, các địa phương có hệ đầm phá, sông ngòi, kênh rạch lớn, các vùng biển, hải đảo…