ThienNhien.Net – Chính phủ Campuchia mới đây đã thông qua dự án khai thác mỏ titan tại một trong những vùng nguyên sơ nhất nhưng cũng được cho là “bị đe dọa nhất trên thế giới” – theo nhận định của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI), bất chấp mối lo ngại của các nhà môi trường học lẫn người dân địa phương về sự suy giảm số lượng loài cũng như hệ sinh thái nơi đây.
Nỗ lực bảo tồn bị hủy hoại bởi mỏ?
Quyền khai thác mỏ tại các cánh rừng trải dài trên dãy núi Cardamom thuộc tỉnh Koh Kong của Campuchia đã được phê chuẩn cho Công ty khoáng sản United Khmer Group, đơn vị liên doanh giữa Campuchia và ba cường quốc Trung – Mỹ – Nhật trên tổng diện tích 20.400 ha.
Điều đáng nói là dự án đồ sộ này lại được thực hiện tại Cardamom, một trong những khu rừng còn giữ được tương đối nguyên vẹn các giá trị đa dạng sinh học và là một phần của điểm nóng Indo – Buma (Đông Nam Á) – vốn được CI đặt ở vị trí đầu tiên trong số các khu rừng bị đe dọa nhất trên thế giới. Chỉ với 5% môi trường sống còn lại, Cardamom được cho là còn bị đe dọa nghiêm trọng hơn cả Amazon, Congo và thậm chí là những khu rừng ở Indonesia và Malaysia.
Các nhà môi trường lo ngại, nếu Cardamom bất đắc dĩ bị biến thành đại công trường khai thác thì sẽ tạo mối nguy lớn cho các loài động vật hoang dã, các con sông sẽ bị ô nhiễm và ngành du lịch sinh thái vốn đang phát triển cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Suwanna Gauntlett, người đứng đầu Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WA) khẳng định: “Chúng tôi thừa nhận, phát triển là cần thiết cho tương lai của Campuchia nhưng sự phát triển nào cũng phải tôn trọng các sáng kiến bảo tồn”. Suốt gần 10 năm qua, WA đã thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả tại Campuchia, bao gồm cả khu vực làng Chi Phat thuộc phía nam dãy núi Cardamom, nhằm thiết lập du lịch sinh thái nơi đây. Nhiều cư dân đã từ bỏ phá rừng và săn bắt thú để tập trung cho việc phát triển các loại hình du lịch. Bản thân WA cũng đã đầu tư hơn 1 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng. Khu vực này thậm chí còn có tên trong “Top 10 địa danh của thế giới năm 2010” theo bình chọn của Tạp chí danh tiếng Lonely Planet (Anh). Tuy nhiên, người dân lo sợ tất cả nỗ lực của họ sẽ bị hủy hoại bởi việc khai thác mỏ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông John Maloy, Trưởng phòng truyền thông WA cũng cho biết, sự hiện diện của hoạt động khai thác mỏ trong khu vực đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều tuyến đường và cây cầu mới được xây dựng, nhưng những điều tưởng chừng tích cực đó sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm cho các con sông gần làng, làm giảm đáng kể lượng du khách và gián tiếp đe dọa đến nguồn sinh kế của người dân – vốn đang được đảm bảo thông qua các hoạt động du lịch sinh thái. Tất cả người dân đều khẳng định, nếu tiến hành khai thác mỏ tại Chi Phat, mọi thứ sẽ biến mất.
Không chỉ phong phú về các loài động vật hoang dã, những dãy núi thuộc Cardamom còn là nơi trú ngụ của nhiều động vật quý hiếm như gấu Mã Lai, hổ Đông Dương, vượn và 250 loài chim. Có tới 70 loài nằm trong nhóm nguy cơ tuyệt chủng hiện đang sinh sống tại khu vực này. Các nhà bảo tồn thuộc WA cho rằng, việc khai thác không chỉ gây hại tới các loài động vật trên cạn mà sẽ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài cá quý hiếm nước ngọt, chẳng hạn như cá sấu Xiêm – loài bị liệt vào danh sách cực kỳ nguy cấp. Bên cạnh đó, các điểm khai thác dự kiến được triển khai ngay trên các tuyến đường di cư của quần thể voi châu Á lớn nhất còn lại của Campuchia.
Trong khi United Khmer Group hứa hẹn đem về 1,3 tỉ USD mỗi năm từ việc khai thác quặng tại Cardamom thì WA và nhật báo Phnom Penh Post tại Campuchia lại nghi vấn về con số này. Theo Phnom Penh Post, công ty này đã tính toán lợi nhuận dựa trên giá titan cao gấp 3 lần so với giá thị trường hiện nay và đã dự tính khai thác được lượng lớn titan dù không hề tiến hành bất cứ đánh giá tổng thể nào về trữ lượng quặng. Và vì vậy, khi lợi ích kinh tế còn chưa rõ ràng, “việc san ủi các cánh rừng nhiệt đới chỉ đơn thuần là phá hoại” – ông Gauntlett khẳng định.
Giảm nhẹ thiệt hại bằng cách nào?
Tuy kịch liệt phản đối kế hoạch khai thác mỏ nhưng WA cho rằng, nếu việc khai thác vẫn được tiến hành thì cần có nhiều hơn các cuộc trao đổi với United Khmer Group nhằm giảm nhẹ tối thiểu các tác động môi trường có thể xảy ra do hoạt động khai thác mỏ. WA kêu gọi United Khmer Group làm việc chặt chẽ với phía Tổng cục lâm nghiệp Campuchia, các tổ chức bảo tồn và cộng đồng địa phương để thống nhất biện pháp thực hiện.
Theo ông Maloy, có rất nhiều cách có thể giúp United Khmer Group tránh những tổn hại không đáng có cho môi trường tự nhiên, bao gồm cả các giám sát từ bên ngoài. Maloy nhấn mạnh, điều quan trọng là United Group Khmer chấp thuận sự giám sát của Tổng cục lâm nghiệp và các tổ chức bảo tồn nhằm đảm bảo việc phát quang được thực hiện theo đúng luật định và chỉ những khu vực nào được khai thác trong thời gian gần thì mới được đốn chặt, cần chú ý bảo tồn rừng càng nhiều càng tốt”.
Bên cạnh đó, United Khmer Group cũng cần giữ đúng lời hứa khai thác ở khu vực được chỉ định và làm việc cụ thể với phía chính quyền địa phương cùng các tổ chức NGO để xây dựng một đường giao thông độc lập, không gây ảnh hưởng tới dân làng. Cuối cùng là thực hiện cam kết tái tạo rừng sau khi khai thác khoáng sản.
Theo nhận định của Phnom Penh Post, việc khai thác mỏ titan tại Cardamom có thể chỉ mới là bắt đầu bởi thông tin mới đây cho biết, Trung Quốc đang có kế hoạch khai thác 3- 4 mỏ khác cũng thuộc Cardamom, với tổng diện tích 100.000 ha.