ThienNhien.Net – Dựa trên các nghiên cứu thực địa tại Bolivia, Senegal và Tanzania, Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED) mới đây đã chính thức bác lại các dự đoán vốn gây hoang mang dư luận khi cho rằng hàng trăm triệu người bị buộc phải di cư xuyên biên giới là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu do IIED thực hiện đã không thể tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy sự suy thoái môi trường do biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến sự di cư quốc tế ồ ạt. Thay vào đó, các yếu tố kinh tế, xã hội lại có ảnh hưởng lớn hơn tới lượng người di cư, địa điểm và thời gian di cư. Nghiên cứu cũng chỉ ra, hầu hết các cuộc di cư đều diễn ra trong thời gian ngắn và khoảng cách ngắn.
“Người dân bị tác động bởi suy thoái môi trường ít khi di cư xuyên biên giới, họ chỉ tạm thời chuyển đến các khu vực khác ở nông thôn hay thị trấn địa phương, và thường là tạm thời” – TS. Cecilia Tacoli, Tác giả công trình nghiên cứu nhận định.
“Những người di cư có thể làm giảm nguy cơ bị tổn thương bằng cách đa dạng hóa nguồn thu nhập và giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng chính phủ các nước lại xem họ như một “vấn nạn” và thường ít cung cấp sự hỗ trợ hoặc không tích cực khuyến khích họ di chuyển”, TS. Tacoli cho biết thêm.
Chính bởi định kiến với người di cư mà nhiều chính phủ đang áp dụng mạo hiểm các chính sách có thể làm tăng nguy cơ tổn thương trước biến đổi khí hậu đối với người dân. Nghiên cứu kêu gọi chính phủ các nước cần nhìn nhận lại tác động của các yếu tố kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến các hình thức di dân, từ đó có thể phát triển các chính sách hỗ trợ người nghèo sử dụng các chiến lược thích ứng với suy thoái môi trường.
Cũng theo bà Tacoli, các nhà hoạch định chính sách cần đánh giá lại vấn đề di cư và xem nó như một giải pháp thích ứng phù hợp với các rủi ro môi trường, chứ không phải là vấn đề cần khắc phục. Đối với các quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, cần ưu tiên các vấn đề chính sách dành cho người di cư như: đảm bảo sinh kế, quyền lợi và quyền được tôn trọng của người di cư; hỗ trợ người di cư tại những nơi họ sống hoặc chuyển đến, đặc biệt không nên xem di cư như là một hậu quả của biến đổi khí hậu.
Thêm một phát hiện quan trọng được nghiên cứu chỉ ra là khi di cư quốc tế, người di cư thường đầu tư ngược lại về đất nước mình theo những cách có thể tác động lớn đến hoạt động trong nước, hướng vào các hoạt động phi nông nghiệp, xây dựng và kinh doanh tại các trung tâm thành phố, đặc biệt là ở những khu vực nhỏ và trung bình – nơi có giá đất rẻ hơn. Hơn nữa, các khoản tiền được chuyển về từ lượng người di cư quốc tế cũng có thể được sử dụng để trả lương cho các lao động tạm thời làm việc trong các trang trại gia đình.
“Nói chung cả hai mức độ di cư trong nước (tương đối phổ biến) và di cư quốc tế (tương đối hiếm) đều có thể hỗ trợ những người nghèo vốn đang phải chịu rủi ro từ những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Di cư cần được xem là một phần của giải pháp, chứ không phải là một “vấn nạn” như nhiều người vẫn nghĩ”, bà Tacoli kết luận.
* Nghiên cứu được thực hiện bởi IIED, nhờ sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), với nguồn vốn bổ sung được cung cấp bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) và Bộ Ngoại giao Đan Mạch (Danida), cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ). Để xem báo cáo chi tiết, bạn đọc vui lòng tham khảo tại đây.
Biến đổi khí hậu và di cư vì môi trường
Ảnh hưởng của BĐKH đến tình trạng di cư và mất chỗ ở