ThienNhien.Net – Jatropha từng được tung hô là một loại thần dược trị bách bệnh, từ khủng hoảng năng lượng đến biến đổi khí hậu và đói nghèo, nhờ khả năng cung cấp năng lượng sinh học ngay cả khi sống trên đất cằn. Ở Việt Nam, cơn sốt jatropha cũng từng nhen nhóm với những kỳ vọng về một loại cây cung cấp nguồn năng lượng thay thế và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố đã cho thấy “huyền thoại jatropha” thực chất chỉ dựa trên các dữ liệu bị thổi phồng và những lời hứa hão. Loài cây đang được trồng rộng rãi này trên thực tế không phải là một khoản đầu tư hiệu quả về kinh tế và bền vững về môi trường.
Mặc dù đã được trồng từ nhiều thập kỷ song đến gần đây jatropha (cây cọc rào) mới được phát triển trên quy mô lớn, vì vậy hiện vẫn còn rất ít dữ liệu cho thấy hiệu quả và tác động thực tế từ những đồn điền độc canh loại cây này. Trong khi đó, loại cây này hiện đã phát triển rộng rãi trên toàn cầu, từ châu Á, châu Phi tới châu Mỹ Latin cùng với những thêu dệt về hiệu quả kinh tế – xã hội – môi trường của loại cây “thần kỳ” có thể chịu khô hạn này.
Tuy nhiên, một nghiên cứu do Tổ chức Những người bạn Trái đất (Friends of the Earth – FOTE) mới hoàn thành đã thực sự chỉ ra những mặt trái của “huyền thoại jatropha”. Báo cáo Jatropha: Tiền không mọc trên cây (Jatropha: Money doesn’t grow on trees*) của FOTE đã đưa ra 10 lý do mà các nhà đầu tư có trách nhiệm nên nhớ để tránh xa cây jatropha – loài cây đang được trồng phổ biến để lấy dầu. Các lý do chủ yếu tập trung vào các tác động về môi trường tự nhiên, hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư từ việc trồng loại cây này trên quy mô lớn.
Jatropha lỡ hẹn với mục tiêu kinh tế
Được coi như một loại cây thương phẩm, Jatropha gần đây được trồng phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới với tổng diện tích khoảng 1 tỷ ha trong năm 2008 ở Châu Á, Mỹ Latin và Châu Phi. Một số ước tính cho rằng diện tích jatropha hiện nay vào khoảng 5 tỷ ha và dự đoán sẽ đạt 13-15 tỷ ha vào năm 2015. Năm 2008, Châu Á chiếm khoảng 85% diện tích jatropha, trong khi ở Châu Phi con số này là 12% và Châu Mỹ Latin chỉ chiếm hơn 2%. |
Bất chấp lời hứa hẹn về năng suất cao và dễ sinh lãi vẫn được rêu rao mời chào các nhà đầu tư, nghiên cứu của FOTE đã cho thấy ngay cả khi được trồng ở điều kiện tối ưu thì năng suất jatropha vẫn kém xa dự báo và mong đợi.
Thậm chí, tất cả các bằng chứng đều chứng tỏ rằng jatropha không phải là một cây trồng kinh tế, ngay cả khi đạt được năng suất cao. Bởi vì, dù có thể sống sót trên đất cằn cỗi và trong điều kiện khô hạn, song nếu muốn tăng trưởng tốt, cho năng suất cao, jatropha cần có đất tốt, nước tưới và phân bón đầy đủ. Ở vùng đất kém chất lượng, jatropa cần được đầu tư nhiều hơn khiến chi phí bị đội lên và không thể mang lại lợi nhuận.
Thực tế đã kiểm chứng nhiều dự án đầu tư vào jatropha không thành công. Các công ty như D1 Oils (Anh) và Flora EcoPower (Đức) từng phải nếm trải thất bại khi đầu tư vào jatropha và không đạt được hiệu quả mong muốn. Công ty của BioMassive của Thụy Điển thuê đất trồng jatropha ở Tanzania và cũng báo cáo lỗ từ năm 2009. Công ty BioShape của Hà Lan trồng jatropha ở Tanzania đã tuyên bố phá sản năm 2010.
Jatropha đe dọa đa dạng sinh học và môi trường
Bản thân các đồn điền độc canh quy mô lớn thường bị đánh giá là tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học vì thiếu đa dạng cây trồng và sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, phân hóa học. Các đồn điền jatropha không phải là một ngoại lệ.
Bên cạnh đó, Báo cáo của FOTE đã ghi nhận, có nhiều khu rừng tự nhiên giàu đa dạng sinh học đã bị phá hủy để nhường chỗ cho các đồn điền jatropha trong khi thậm chí những mảnh đất cằn cũng rất có ích để duy trì đa dạng sinh học và có thể còn là nơi trú ngụ của các loài động vật đang bị đe dọa.
Thêm nữa, dù được cho rằng có thể sống trong môi trường khô cằn, thực tế cho thấy jatropha vẫn cần rất nhiều nước, đặc biệt là ở giai đoạn đầu tăng trưởng. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho rằng với cùng một sản lượng dầu tương tự, jatropha cần nhiều nước hơn bất cứ loại cây trồng cho năng lượng sinh học nào khác. Và đây trở thành một vấn đề khi thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng.
Một đồn điền jatropha cằn cỗi ở làng Sunderkher, Chhattisqarh, Ấn Độ (Ảnh: Foeeurope.org) |
Ngoài tiêu tốn nước, các đồn điền jatropha cũng tác động đến nguồn cung nước do sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu với số lượng lớn. Bởi vì, khi được trồng ở quy mô đồn điền, jatropha cũng dễ tổn thương với các loại sâu hại và dịch bệnh thông thường.
Lý lẽ có vẻ thuyết phục nhất mà các nhà đầu tư thường viện dẫn cũng bị nghiên cứu của FOTE hạ gục. Theo đó, xét từ khía cạnh thay đổi mục đích sử dụng đất, Báo cáo đã nhận định rằng jatropha không giúp giảm khí thải nhà kính, chống lại biến đổi khí hậu như vẫn thường được biện hộ. Bởi vì, rừng và các đám cây bụi vốn lưu giữ một lượng lớn CO2 sẽ phát thải trở lại khí quyển khi đất được dọn sạch để trồng cây jatropha.
Không chỉ thất bại trong mục tiêu giảm khí nhà kính, jatropha còn không thể chứng tỏ sẽ giảm đáng kể lượng sử dụng năng lượng hóa thạch bởi vì sản lượng jatropha trên toàn cầu trên đất cằn chỉ đảm bảo thay thế một lượng nhỏ năng lượng hóa thạch.
Jatropha không phải cây vì người nghèo
Các công ty đầu tư thường vẫn rêu rao rằng jatropha là một khoản đầu tư nhân đạo. Ngay trên tờ rơi giới thiệu của nhà đầu tư Viceroy, jatropha cũng được “quảng bá” là loại cây “phát triển tốt trên loại đất không thể dùng để trồng trọt và vì vậy trồng jatropha là cách hiệu quả để xóa đói giảm nghèo ở các nước thế giới thứ ba”.
Tuy nhiên, những mảnh đất vẫn được gọi là “đất cằn” trên thực tế lại thường được cộng đồng sử dụng để chăn thả gia súc và canh tác, vì thế trồng jatropha trên đất này nhất định sẽ tác động đến sinh kế của họ. Ở Ấn Độ cũng như nhiều nước Châu Phi, đã có những bằng chứng cho thấy người dân phải di chuyển để nhường chỗ cho các đồn điền jatropha, và họ thường bị ép buộc mà không được đền bù.
Trong khi đó, những hứa hẹn về việc làm từ các đồn điền jatropha trong thực tế lại rất xa vời với người dân địa phương, và nếu có cũng chỉ là các công việc tạm bợ với mức tiền công rẻ mạt.
Đặc biệt, vì jatropha phát triển tốt hơn trên đất màu mỡ nên nó đang cạnh tranh về đất đai với các loại cây trồng thực phẩm khác, đe dọa an ninh lương thực ở những khu vực mà người dân vẫn còn thiếu thực phẩm. Thực tế đã cho thấy, ngay cả ở các quốc gia mà an ninh lương thực chưa được đảm bảo như Mozambique, Ghana và Tanzania, các vùng đất màu mỡ vẫn được trưng dụng để trồng jatropha. Còn ở Ấn Độ, tình trạng thiếu dầu ăn và rau cho gia súc vì chuyển đất sang trồng jatropha cũng đã được ghi nhận.
Với những thực tế đáng thất vọng về jatropha đã được Báo cáo của FOTE gọi tên, jatropa chứng tỏ không phải là một loài cây “thần kỳ” như từng được tung hô. Phát triển ở quy mô nhỏ, xen canh với các cây trồng thực phẩm hoặc trồng làm rào giậu quanh đồng ruộng, jatropha có thể cải thiện phần nào thu nhập cho các cộng đồng nghèo. Tuy nhiên, trồng ở quy mô đồn điền thì loại cây này không những không chứng tỏ được hiệu quả kinh tế mà còn tác động tiêu cực đến cộng đồng, đa dạng sinh học và khí hậu. Cũng chính vì thế mà các nhà đầu tư có trách nhiệm được khuyên nên tránh xa jatropha.
Tháng 6/2008, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt đề án “Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây cọc rào ở VN giai đoạn 2008-2015 và tầm nhìn đến 2025”. Theo Đề án, mục tiêu trong giai đoạn 2008-2010 Việt Nam trồng thử nghiệm, khảo nghiệm và sản xuất ở các vùng sinh thái khác nhau đạt quy mô diện tích khoảng 30.000 ha. Giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2025 từng bước mở rộng sản xuất quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, đến năm 2015 có thể đạt diện tích gây trồng trong cả nước khoảng 300.000 ha và định hướng tiềm năng đến 2025 có thể đạt 500.000 ha… Tổng nhu cầu vốn thực hiện cho đề án ước tính khoảng 2.320 tỉ đồng trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 220 tỉ còn lại 2.100 tỉ là đầu tư của các doanh nghiệp. |
Bạch Dương
* Mời độc giả tham khảo Báo cáo Jatropha: Money doesn’t grow on trees tại đây.