ThienNhien.Net – Những ngày đầu năm âm lịch, chúng tôi trở lại thôn Nà Bẻ, xã Nhạn Môn (Pác Nặm – Bắc Kạn) – nơi đã hứng chịu trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng hồi đầu tháng 7 năm 2009. Hơn một năm sau đợt "đất trời nổi cơn thịnh nộ” đó, những ngôi nhà mới đã mọc lên, ruộng đồng, đường sá đã được cải tạo… nhưng cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn bao lo toan trước mắt.
Chúng tôi tìm đến thôn Nà Bẻ khi khắp xóm làng vừa đón cái Tết thứ hai sau cơn thảm họa. Đến nhà trưởng thôn Nà Bẻ, Ma Văn Thỏa, chúng tôi ngồi nhâm nhi chén trà nóng ở hiên nhà nghe ông lần giở lại ký ức đau thương và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hiện tại.
Ông Thỏa chỉ tay lên quả đồi cao ngút trước mắt và nhớ lại cái ngày kinh hoàng vẫn còn in đậm trong tâm trí ông: “Vào những ngày đầu tháng 7 năm 2009, trong trận mưa kéo dài gần một tuần, một đêm, cả nửa quả đồi đó đã lở xuống. Nhưng rất may không có nhà nào bị vùi lấp, chỉ hủy hoại hoa màu và một số nhà cách chỗ sạt lở không xa phải tạm di dời. Đến trưa hôm sau, trời vẫn mưa tầm tã, khi tôi và một số anh em đang sửa nhà giúp anh Chu Thành Văn thì thấy nước lũ dâng cao nên lấy ván để chắn cho nước khỏi vào nhà. Từ xa tiếng ầm ầm như sấm cứ tiến lại gần, quay mặt lại nhìn về đầu cánh đồng, thấy dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn cao tới 4m đổ về, tôi hô chạy, ông Chu Văn Tốc, bố anh Chu Thành Văn không chạy kịp đã bị lũ cuốn trôi, ít phút sau cả ngôi nhà của anh Văn cũng chìm theo làn nước mất tích. Đau lòng hơn người vợ của anh Văn đi chăn trâu cũng bị lũ cuốn trôi. Mất bố, mất vợ, mất nhà, gia cảnh anh Văn khốn khó vô cùng”.
Sau cái ngày khó quên ấy, một số hộ gia đình khác trong thôn Nà Bẻ rơi vào cảnh tay trắng. Sau khi lũ rút, cùng với công tác cứu hộ cứu nạn của chính quyền và sự hảo tâm của các tổ chức và cá nhân, họ đã được di dời khỏi vùng nguy hiểm, bắt đầu xây dựng lại cuộc sống mới.
Những ngôi nhà được chuyển đến nơi ở mới đã giúp họ vơi đi nỗi lo thiên tai nhưng trong họ vẫn còn đầy những nỗi lo trước mắt. |
Thôn Nà Bẻ có 52 hộ, 266 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Mông; số hộ nghèo là 38 hộ. Trong đợt lũ quét và sạt lở đất hơn một năm về trước có 3 người chết, 2 người bị thương nặng, 3 ngôi nhà bị cuốn trôi, 4 ngôi nhà bị hư hỏng nặng.
Tính đến thời điểm này nguồn thu nhập chính của bà con là chăn nuôi gia súc, trồng ngô, sắn…, cuộc sống vẫn còn vô vàn khó khăn. Trên đường từ nhà ông Thỏa ra thăm cánh đồng bị lũ vùi lấp trước đây, chúng tôi gặp ông Cà Văn Long đang lúi húi làm cỏ bờ ruộng và được nghe ông chia sẻ: “Vẫn là cảnh tan hoang thôi chú à, đá hộc lăn lóc khắp nơi trên ruộng, nhiều diện tích của gia đình tôi không thể canh tác được nữa”.
“Bao nhiêu năm tích góp được ít vốn để nuôi con ăn học sau này mà chưa đầy một giờ đồng hồ tài sản của gia đình tôi đã không cánh mà bay, ruộng ít đã đành, đằng này lại bị vùi lấp gần hết, không biết sắp tới lấy gì mà nuôi con ăn học thành người đây”, ông Long trầm ngâm nói.
Nỗi lo của ông Long âu cũng là nỗi lo của hàng chục hộ gia đình bị thiệt hại trong lũ. Dù hầu hết những hộ dân bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét giữa năm 2009 đến nay đều đã chuyển đến nơi ở mới, đường giao thông đã được tu sửa, nhưng cuộc sống của họ vẫn còn bao nỗi lo toan.
Rời Nà Bẻ trong sự tĩnh lặng đến lạ thường, chúng tôi không khỏi xót xa với những khó khăn mà người dân nơi đây đang phải trải qua. Cầu mong cho những thảm họa tự nhiên sẽ không bao giờ trở lại với họ.