ThienNhien.Net – Âm thầm trèo đèo lội suối nhặt nhạnh những thứ mà bà con dân tộc vùng cao Tây Bắc cho là “chổi cùn rế rách”, mang về cọ rửa sạch sẽ rồi đặt vào những vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà sàn của gia đình, ông Nguyễn Đăng Luận, chủ nhân ngôi nhà số 7, phường Minh Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã dồn tâm huyết của mình để làm công việc bị mọi người chê là “lẩn thẩn” đó hàng chục năm qua.
Niềm đam mê “chổi cùn rế rách”
Cách đây gần 20 năm ông Luận là công an của thành phố Yên Bái. Công việc thường xuyên gắn bó với bà con miền núi nên ông luôn muốn khám phá đời sống sản xuất của họ và có niềm yêu thích đặc biệt với những đồ vật mà đồng bào các dân tộc tự sản xuất để phục vụ sinh hoạt gia đình.
Trong ngôi nhà sàn 3 gian 2 trái thoáng mát, ông Luận hướng ánh mắt nhìn về hàng trăm hiện vật treo kín vách nhà, tâm sự về những ngày đầu lang thang khắp các nẻo đường vùng cao Tây Bắc tích góp, nhặt nhạnh những đồ vật mà bà con dân tộc cho là “đồ bỏ đi”: “Tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nhiều dân tộc, mỗi một dân tộc có một nét văn hóa đặc sắc riêng, và những đồ dùng đặc biệt riêng trong nhà. Và ngay từ những ngày đầu công tác vùng cao, trong tâm thức tôi đã có ý định lưu giữ những đồ vật của bà con dân tộc miền núi với mong muốn gìn giữ để con cháu mai sau biết ông cha ta đã có một nên văn hóa đậm đà bản sắc”.
Các vật dụng phục vụ cho nông nghiệp của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc được ông Luận trưng bày ở một góc “bảo tàng” |
Tất cả các vật dụng ông sưu tầm được đều phần nào phản ánh lối sống của các đồng bào vùng cao Tây Bắc. Để có được hàng trăm hiện vật quy tụ trong một không gian yên bình giữa lòng thành phố, dấu chân ông đã in khắp các nẻo đường rừng núi xa xôi.
Mới đầu, sau mỗi chuyến công tác ăn dầm ở dề với bà con, ông đều mang về một thứ, lần thì cái mõ trâu, khi thì cái chổi bằng lá cọ cũ kỹ hay chỉ là chiếc lồng chim đan bằng lõi cây tế… Đến khi gậm giường, nóc tủ, gác xép trong ngôi nhà nhỏ của mình đã chật ních, không có chỗ chứa nữa thì ông mang sang gửi nhờ nhà hàng xóm. Tay cầm cái mõ trâu làm bằng gốc cây sấu, ông vừa lắc kêu lóc cóc, lóc cóc vừa chia sẻ với chúng tôi: “Cái này tôi phải đi xin của bà con dân tộc Mông ở Làng Thíp (Văn Yên), khi thấy tôi xách về đám trẻ trâu còn cười, bảo chú công an “ăn trộm” mõ trâu kìa”. Rồi ông nhấc cái chổi cọ quét xoèn xoẹt xuống nền sân gạch: “Cái chổi này tôi xin của đồng bào Tày ở trên huyện Văn Chấn, lúc xin họ còn bảo cái này tôi vứt đi chú lấy làm gì? Loại chổi này bây giờ bà con vẫn dùng”.
Nhìn quanh nhà ông, đâu đâu cũng là những thứ lạ mắt, vì mỗi dân tộc lại có những đồ vật được thiết kế khác nhau, kể cả các loại dao, lưỡi liềm hay chiếc nón họ mua về dùng cũng khác nhau, tất cả được sắp xếp gọn gàng trông rất bắt mắt. Trong hàng trăm hiện vật của ông có những chiếc cối xay bằng đá nặng hàng trăm cân, ông mua tận huyện Bắc Hà (Lào Cai); chiếc yên ngựa có niên đại gần 80 năm, bộ cối chày cũng vậy. Những hiện vật của ông tính đến thời điểm này đã trưng bày chật kín không gian hơn 200 mét vuông gầm sàn nhà, cối xay ông có hơn chục bộ, lồng chim treo kín hiên nhà. Thứ gì cũng có, từ dụng cụ dùng để vo gạo của dân tộc Tày khi chưa có rá nhựa cho đến mấy con dao mẻ, cái cào, cái quốc gẫy cổ, bộ khèn sáo mông hay những chiếc mâm đồng… Cổ kính hơn là chiếc lưỡi cày dùng sức người kéo từ thời Pháp thuộc ông cũng có.
“Bảo tàng” dân tộc
Để có nơi trưng bày các hiện vật mà mình sưu tầm về ông lên khắp các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái tìm mua một ngôi nhà sàn. Ông chia sẻ: “Sau khi về hưu tôi mới tính đến chuyện làm nhà, đầu tiên tính làm nhà xây nhưng thấy chật hẹp, nếu trưng bày các hiện vật ra thì không có chỗ ở nữa. Vậy là tôi đi 1 tuần trên các bản nhà sàn vùng cao, cuối cùng cũng mua được một ngôi nhà sàn ưng ý làm bằng gỗ mít. Phải mất 5 tháng thuê 3 đội thợ tôi mới dựng và sửa sang xong ngôi nhà này và dành toàn bộ gầm sàn để trưng bày hiện vật”.
Thấy chúng tôi ngỡ ngàng trước hàng trăm hiện vật lạ mắt, ông Luận vào phòng lấy ra một bộ sưu tập đèn cổ với đủ màu sắc, có những chiếc có niên đại hàng trăm năm.
Ông Nguyễn Đăng Luận giới thiệu về bộ sưu tập đèn cổ |
Cầm trên tay một chiếc đèn màu bạc, ông Luận tươi cười chia sẻ về cái duyên sưu tầm của mình: “Cái này có từ thời đầu nhà Nguyễn, tình cờ tôi đi dạo nhặt được ở bụi tre. Trước đây tôi đã nghe các tay buôn đồ cổ nhắc nhiều đến nhưng không thấy xuất hiện ở đâu. Làm cái việc sưu tầm này ngoài tâm đắc ra phải có duyên nữa thì mới dễ bắt gặp, kể cả đi mua cũng thế thôi, có những thứ thấy mình bảo mua họ cho không. Có thứ mình mua trả tiền rồi, lúc mang xe lên chuyển về thì họ không bán nữa, đành chịu chứ biết làm thế nào!”.
Tuy tuổi cao sức yếu nhưng hiện nay thỉnh thoảng ông vẫn có những chuyến đi kéo dài nửa tháng trời để thỏa thú sưu tầm. Có những lần nghe tin ở đâu có hiện vật lạ, kể cả trời đang mưa, ông cũng đội mưa đi để sưu tầm làm phong phú cho “bảo tàng” của mình.
Có những thứ ông bỏ công hàng chục năm nay để săn tìm như chiếc thuyền độc mộc hay chiếc đèn mò của thời xưa mà chưa được. Theo ông lý giải, bây giờ tìm được chiếc thuyền độc mộc của thời xưa mới khó chứ muốn đóng cái mới thì quá đơn giản.
Từ khi những hiện vật được trưng bày, ngày nào nhà ông cũng đông khách, hôm thì anh em, bạn bè đến tham quan, có người mang cả con cháu đến, khi thì các em học sinh, sinh viên đến tìm hiểu về nét văn hóa của bà con dân tộc vùng cao.
Trải qua gần hai chục năm sưu tầm, mỗi chuyến đi đều để lại trong ông rất nhiều kỷ niệm, ông Luận nhớ nhất là những lần “vô duyên” của mình: “Mua một cái máng mà bà con dân tộc tày dùng để ép mật mía, tôi vừa thuê xe chở về nhà chưa được 15 phút đã thấy chủ nhân của nó phi xe máy đến đòi lại, họ bảo không bán nữa vì đó là đồ của cha ông để lại. Nhiều hiện vật tôi mua, trả tiền cho họ xong nhưng chưa chuyển về nhà được, hôm sau lên lấy thì họ đòi thêm tiền”.
Tính đến thời điểm này, ông Luận đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua các hiện vật. Ông biết công việc mà mình đang làm không giúp ích gì cho gia đình cả, nhưng ông thấy vui vì đã làm được một việc có ích cho xã hội. Giờ các con đều đã trưởng thành, niềm vui lớn nhất của ông Luận lúc về già là mỗi khi có các cháu nhỏ đến nhà tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của các hiện vật. Với ông, càng nhiều người biết đến bộ sưu tầm càng tốt vì mục đích của ông cũng chỉ là lưu giữ lại cho mọi người đến tham quan.
Ước nguyện của ông là ngày càng sưu tầm được nhiều hiện vật, mong sao bộ sưu tập của mình mỗi ngày một phong phú hơn. Ông Luận cho biết: “Sắp tới tôi sẽ nhờ bảo tàng tỉnh Yên Bái đến sắp xếp lại các hiện vật, chia nhóm và ghi chú để khách tham quan dễ nhận biết”.
Nói về góc sưu tầm của ông Luận, ông Hoàng Tiến Long, cán bộ bảo tàng tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Luật di sản rất khuyến khích công việc sưu tầm như ông Luận đã làm. Hiện nay ông Luận là người duy nhất ở tỉnh Yên Bái làm công việc này, có thể nói quy mô bảo tàng “tư gia” của ông Luận tương đương với một bảo tàng dân tộc cấp tỉnh”.