Rau rừng thành đặc sản

ThienNhien.Net – Xã Vân Hòa huyện Ba Vì (Hà Nội) có địa hình đồi núi cao, không khí trong lành, công việc chủ yếu của người dân vẫn là cấy hái, đồng áng, người ta không nghĩ sẽ có ngày hái ra tiền từ những quả đồi trơ chọi nhờ việc trồng các loại rau rừng.

Ông Trương Minh Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần thực phẩm San Nam (San Nam food) tiết lộ về việc sẽ giúp nông dân trồng các loại rau rừng cao cấp, giá trị kinh tế gấp hàng chục lần so với rau thường. Điều này mở ra hướng mới trong việc phát triển kinh tế của nông dân vùng cao, miền núi.

Năm 2008, Công ty San Nam đã đưa vào trồng hơn 40 ha rau rừng ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, chủ yếu là các loại rau Báng, Bướm Trắng, Sau Sau, Lưỡi Hổ, Tai Voi… Đây là những loại rau đặc sản có giá trị kinh tế cao gấp hàng chục lần so với rau thường. Các loại rau này rất phù hợp với những điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng cao miền núi, giúp mở ra hướng mới trong việc phát triển kinh tế của người dân nơi đây.

Trước đó, Công ty này đã có 10 năm nghiên cứu sưu tầm và trồng thử nghiệm các loại rau rừng, do chính Giám đốc và cả nhân viên cùng tham gia. Khi sưu tầm được loại rau mới, công ty mang đến Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế để kiểm nghiệm, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ đưa vào trồng hàng loạt.

Ông Trương Minh Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty cho biết, hiện Công ty đang phát triển thêm 500ha trang trại rau rừng ở Kỳ Sơn – Hòa Bình, đồng thời lên phương án liên kết chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để trồng các loại rau rừng cao cấp, các khâu từ cung cấp giống, kỹ thuật chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm do Công ty đảm nhận.

Giám đốc Trương Minh Hoàng khẳng định: “Hiện tại Công ty trồng hơn 10 loại rau rừng, tất cả đều không sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật, hay phân bón hóa học nào, nguồn nước tưới lại được lấy từ suối ở ngay chân núi, hầu hết các loại rau rừng mọc tự nhiên nên sức đề kháng với sâu bệnh khá tốt”.

Theo đánh giá, mỗi tháng riêng thị trường Hà Nội có thể tiêu thụ khoảng 20 tấn rau rừng, còn các loại rau đồi thì hết cả trăm tấn. Thị trường tiêu thụ rau chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn ở thành phố… Ngoài ra hộ gia đình hay cá nhân có nhu cầu đặt mua đều được cung cấp hàng đến tận nhà. Việc liên kết với nông dân là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. 

Kết quả kiểm nghiệm của Viện dinh dưỡng – Bộ Y tế cũng cho biết, hầu hết các loại rau rừng như rau Tai Voi, Báng, Sau Sau, Bướm Trắng… đều có hàm lượng các chất dinh dưỡng như Vitamin B1, B2, C, Protein, Canxi, Gluxit… rất cao, một số loại thuộc họ rau Sắng có hàm lượng Vitamin C cao nhất trong tất cả các loại rau.