ThienNhien.Net – Phải thừa nhận rằng, người dân ven biển ở huyện Tiền Hải sinh ra từ biển, lớn lên và gắn bó với biển từ ngàn đời nay. Trong khi đó, KBTTN Tiền Hải thành lập mới được 17 năm nay. Việc "cấm tiệt" người dân đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản ở mảnh đất chôn rau cắt rốn là làm khó cho sinh kế và cuộc sống của họ, nhưng cũng không thể để người dân phá rừng ngập mặn nuôi trồng thủy, hải sản như hiện nay vì sẽ nguy hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái. Vậy, làm cách nào có thể hài hòa được hai lợi ích trái ngược trên?
Cha ăn mặn cha, con đều khát nước
KBTTN Tiền Hải có tổng diện tích 17.000 ha thuộc địa phận ba xã ven biển của huyện Tiền Hải là Nam Hưng, Nam Thịnh và Nam Phú, với 16.000 nhân khẩu, trong đó khoảng 50% người dân phải sống dựa vào biển. Trước đây, sinh kế của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt tôm, cá ven bờ, chỉ có số ít tàu thuyền là đánh bắt xa bờ, nên kinh tế cũng chỉ ở mức bình bình.
Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là con tôm, con ngao phát triển như vũ bão đã cuốn người dân vào những canh bạc làm giàu chóng vánh. Nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi ngao nên chỉ trong nháy mắt số diện tích đất trũng nhiễm phèn chua đã thành ao, hồ nuôi tôm cá. Và khi diện tích ao nuôi đã được tận dụng hết mà số người dân muốn mở rộng, làm ao nuôi mới lại nở ra, là lúc những cánh rừng ngập mặn bắt đầu bị tấn công.
Trước tình hình nguy cấp trên, Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch đã phối hợp với huyện Tiền Hải tiến hành trồng lại diện tích rừng ngập mặn bị tàn phá và thành lập đội xung kích tuần tra bảo vệ 24/24. Song khi người dân đã không có ý thức bảo vệ thì có đội tuần tra cũng khó mà giữ được rừng. Cây được 3 – 4 tuổi người dân lùa trâu, bò, dê ra rừng ngập mặn chăn thả khiến cây bị húc, bị dẫm chết vô số. Khi cây được 7 – 8 tuổi là lúc nền đất bắt đầu cứng lại, người dân lại phá rừng đắp ao nuôi tôm, cá…
Bài học sinh thái những năm qua đã chỉ ra một sự thật nhãn tiền là đời cha ăn mặn thì chính đời cha đã khát nước chứ chưa cần phải đợi đến đời con. Khi những cánh rừng ngập mặn bị tàn phá thì chính người dân sẽ phải chịu những tác động đầu tiên khi mà thiên tai, ô nhiễm môi trường và vấn nạn biển xâm thực đang trở nên trầm trọng hơn.
Nếu không có biện pháp để ngăn chặn tình trạng trên, trong tương lai không biết rồi sẽ còn chuyện tồi tệ gì nữa xảy ra?
Giải pháp gốc rễ là bám vào dân
Hoàn cảnh của KBTTN Tiền Hải cũng là hoàn cảnh chung của nhiều KBT ở nước ta hiện nay. Mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và môi trường luôn tồn tại và rất khó giải quyết. Giám đốc KBTTN Tiền Hải, ông Trần Dự chia sẻ rằng tuy biết rõ khúc mắc ấy nhưng vì chưa có cơ chế và kinh phí nên ban quản lý đành chấp nhận “khoanh tay đứng nhìn” như những năm qua.
Theo cái lý của ông thì “Thời buổi bây giờ nếu không có tiền, thì có tuyên truyền, có nói khản cổ cũng không ăn thua, nhưng mà có tiền làm không đúng cách lập tức cũng sẽ phản tác dụng. Thực tế chứng minh các chốt bảo vệ rừng do Hội chữ thập đỏ Đan Mạch lập ra, mỗi xã một đội 6 người trả lương 600.000 đồng/tháng sau biến thành nơi để người dân gửi dụng cụ phá rừng. Khi nước lên, thuyền của đội tuần tra mới đi giám sát được, lúc đó người dân họ về hết rồi bởi nước lên có gì mà đánh bắt. Nhưng khi nước xuống, thuyền không đi được thì người dân họ lại ra giăng lưới bắt chim, phá rừng làm ao nuôi tôm. Tôi giả sử họ có bắt được ai đi nữa cũng chẳng dám làm gì vì toàn là người làng người xóm với nhau. Đấy! Anh có thấy bất hợp lý không?”, ông Dự bức xúc chia sẻ.
Ông Trần Dự, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tiền Hải kiêm Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải |
Nói về hướng giải quyết, ông Dự chia sẻ với chúng tôi kế sách sâu gốc bền rễ lấy dân làm gốc mà ông ấp ủ bấy lâu, những mong sẽ được các cơ quan cấp trên quan tâm, lưu ý. Theo đó, muốn thay đổi một lề thói tập quán đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Để bảo vệ rừng ngập mặn và chấm dứt nạn săn bắn chim hoang dã nhất thiết phải có một lộ trình nhất định, phải dựa vào người dân, tức là thiết lập hệ thống giám sát cộng đồng.
Trước tiên, việc bảo vệ môi trường đã có luật pháp quy định rất rõ ràng nên phải bắt và xử lý một vài trường hợp với mục đích cảnh cáo, răn đe người khác, về việc này đã có cảnh sát môi trường chịu trách nhiệm. Về mặt lâu dài, cần đưa vấn đề bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vào trong các nhà trường để thế hệ tương lai của đất nước phát triển từ tự phát đến tự giác, khi đó họ sẽ trở thành đội ngũ bảo vệ môi trường hữu hiệu nhất.
Và yếu tố then chốt là phải thành lập hoạt động giám sát mang tính cộng đồng. Dòng họ này giám sát dòng họ kia, thôn này giám sát thôn khác, người này giám sát người nọ… Nếu dòng họ nào, thôn nào, xã nào mà một năm, hai năm, ba năm thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, không có người săn bắt chim sẽ được tuyên dương và thưởng một khoản tiền để làm đường bê tông, xây đình chùa, nhà văn hóa, thậm chí là chia đều cho nhau… Khi việc làm của mỗi người đều có thể ảnh hưởng đến lợi ích chung thì người dân họ sẽ tự giám sát nhau, bởi giấu được ai chứ không bao giờ giấu được người dân. Triển khai mô hình thì cũng phải làm đồng bộ, bởi vì anh ở dưới làm tốt mà anh ở trên không làm thì coi như bằng hòa.
Về mặt chiến thuật, cần phải tạo cho người dân kế sinh nhai khác bởi không thể chặn nguồn sống hiện tại của họ được: “Cũng không thể trông chờ vào du lịch sinh thái vì biết đến bao giờ, mà nếu có chắc chỉ có mấy anh Tây ba lô đến tham quan nên cũng chẳng ăn thua”.
Theo kế hoạch của ông Dự, cần phải hình thành các phong trào nuôi các loài thủy hải sản thân thiện với môi trường, đặc trưng của vùng biển Thái Bình như con rạm, con bống bớp, con cá khoai…. Với các loài thủy sinh này, vẫn có thể nuôi trồng cạnh các khu rừng ngập mặn, dọc theo hai bờ sông, cồn bãi; giá trị kinh tế rất cao mà không xâm hại đến môi trường.
Tuy nhiên, ông Dự cũng nhận định, kế hoạch quan trọng này cần phải tiến hành thật cẩn trọng và chắc chắn, vì một sai lầm cũng có thể dẫn đến phá sản cả hệ thống giống như hiệu ứng domino. Và chỉ khi thực hiện trôi chảy toàn bộ kế hoạch đó thì KBTTN Tiền Hải nói riêng và các VQG, KBT trong cả nước nói chung mới thực sự có đà để phát triển.