ThienNhien.Net – Ngày 28/01, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Tổ chức Du lịch Thế giới (UN WTO) đã phát triển đối tác toàn cầu mới tập hợp tất cả các lĩnh vực và các ngành kinh tế xã hội nhằm tác động đến các chính sách, phát triển những dự án và cung cấp nền tảng thông tin toàn cầu để thúc đẩy du lịch bền vững trên thế giới.
Du lịch đã được thừa nhận là một trong những động lực chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển nhất.
Đây là một trong những ngành kinh tế lớn nhất thế giới và là nguồn thu nhập rất cần thiết cho các nước đang phát triển. Du lịch chiếm 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tạo việc làm cho 6-7% tổng số người lao động toàn cầu, chiếm 30% xuất khẩu dịch vụ của thế giới.
Tổng số khách du lịch quốc tế có thể lên tới 1,6 tỷ khách vào năm 2020. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, du lịch không bền vững có thể đe dọa các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phá hoại môi trường và tác động tiêu cực đến dân cư.
Giám đốc UN WTO về phát triển du lịch bền vững Luigi Cabrini nhấn mạnh đối tác toàn cầu mới này là diễn đàn năng động và hiện đại, giúp các nước muốn phát triển du lịch bền vững những kinh nghiệm thành công của các nước khác, những trợ giúp kỹ thuật, thúc đẩy đối thoại, trao đổi tri thức và tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề chung của phát triển du lịch bền vững.
Đối tác sẽ tập trung vào bảy lĩnh vực chuyên môn như khuôn khổ chính sách; biến đổi khí hậu; môi trường và đa dạng sinh học; xóa đói nghèo; di sản văn hóa và thiên nhiên; du lịch bền vững cho khu vực tư nhân; tài chính và đầu tư.
Tri thức thu được ở châu Phi về phát triển du lịch bền vững thông qua đối tác toàn cầu có thể áp dụng ở châu Á, Mỹ Latin, châu Âu, Bắc Mỹ và ngược lại.
Phạm vi địa lý rộng lớn cũng như kỹ năng của các thành viên có thể giúp đối tác toàn cầu mới thích nghi, nhân bản, nâng cấp các dự án du lịch bền vững thành công của bất cứ đối tác nào trong những khu vực khác nhau.
Cho đến nay, đối tác toàn cầu mới đã có thành viên gồm 18 chính phủ, 5 tổ chức của Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), 17 tổ chức kinh doanh và quốc tế, 16 tổ chức phi chính phủ.