Khu bảo tồn bị bỏ quên (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Mặc dù đã khoác lên mình tấm áo choàng Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN), vậy mà ngày ngày những cánh rừng ngập mặn ở Tiền Hải, Thái Bình vẫn bị bật rễ cuốn xéo để nhường chỗ cho các bãi nuôi ngao, nuôi tôm mọc lên.

Khu Bảo tồn bảo vệ gì?

Ngồi ké chiếc xe bốn chỗ của tổ chức Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế(*), chúng tôi băng băng xuôi dòng chảy của con sông Hồng về với cửa biển Ba Lạt tìm hiểu câu chuyện khúc mắc ở KBTTN Tiền Hải. Sau ba ngày ăn dầm ở dề tại vùng rừng ngập mặn như “bị bỏ quên” này, chúng tôi mới chợt nhận ra một sự thật đáng buồn trong công tác quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam hiện nay.

Được biết, KBTTN Tiền Hải được thành lập năm 1994, nằm trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. KBT nằm về phía Bắc cửa biển sông Hồng, còn phía Nam cửa sông là Vườn quốc gia Xuân Thuỷ.

Ranh giới phía Nam khu bảo tồn là cửa sông Ba Lạt, phía Bắc là sông Lân và phía Tây là con đê chắn biển chính. KBT có 2 cồn cát lớn là cồn Vành với diện tích 2.000 ha và cồn Thủ có diện tích 50 ha. Cồn Thủ cách đất liền khoảng 40 km và xen giữa khu vực là các bãi cát ngập triều. Cồn Vành nằm tách biệt với đất liền qua một eo biển có mực nước sâu, trên bờ là rừng ngập mặn hầu hết đã có bờ bao thành các đầm nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, còn có một diện tích rộng lớn các đầm nuôi trồng thuỷ sản ở phía Bắc bờ sông Hồng.

Trong KBTTN Tiền Hải có 12 kiểu sinh cảnh chính, trong đó quan trọng nhất là sinh cảnh bãi cát ngập triều, trảng sậy và rừng ngập mặn. Cùng với đó, các bãi bồi ngập triều cũng là một sinh cảnh quan trọng, là nơi kiếm ăn của các loài chim ven bờ. Rừng ngập mặn trong KBT có loài cây Trang (Kandelia candel) chiếm ưu thế.

Đợt khảo sát vùng bờ biển ở lưu vực sông Hồng năm 1996, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự có mặt loài Cò thìa mặt đen (Platalea minor) là loài chim di trú đang bị đe dọa trên toàn cầu tại KBT. Ngoài ra, KBT Tiền Hải đã được công nhận là một trong số 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam.

Từng đó thông tin đủ để chúng ta hình dung được vị trí, vai trò quan trọng của KBTTN Tiền Hải đối với khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung. Thông tin trên còn được Giám đốc KBT, ông Trần Dự bổ sung thêm rằng diện tích KBT hiện nay là 17.000 ha chứ không phải là 12.500 ha như hồi đầu nữa. Tuy nhiên, từ ngày thành lập đến nay đã hơn 17 năm, song KBT vẫn sơ khai như ngày đầu, chưa có bước phát triển nào đáng kể, nếu không muốn nói là dậm chân tại chỗ, thậm chí là tụt lùi.

 
 Bãi ngao ngày càng được mở rộng gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái của Khu bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải

Tôm, ngao bào mòn rừng ngập mặn

Có ý nghĩa quan trọng với vùng châu thổ sông Hồng là vậy nhưng khi tận mục sở thị vùng đất ngập nước ấy chúng tôi ngậm ngùi nhận ra rằng, KBTTN Tiền Hải dường như đang bị người ta lãng quên. Mà nguyên nhân không biết có phải do nằm cạnh anh hàng xóm tên tuổi đã quá nổi tiếng là Vườn quốc gia Xuân Thủy?

Không có một bộ máy hoạt động riêng rẽ nên hầu hết các chức vụ được lập ra để quản lý KBT đều do các cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện kiêm nhiệm. Giám đốc KBT là ông Trần Dự cũng thẳng thắn thừa nhận, công việc chính của ông ở bên Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tiền Hải đã đủ bù đầu rồi nên thời gian dành cho công việc của KBT là rất ít. Chính vì vậy công tác quản lý giám sát hoạt động của KBT những năm qua rất khó để sát sao. Điều đó cũng giúp chúng ta phần nào hình dung vì sao bao nhiêu năm qua KBT vẫn dậm chân tại chỗ.

Chạy xe dọc tuyến đê biển trọng điểm quốc gia ngút tầm mắt đã được bê tông hóa, chúng tôi nhận thấy KBTTN Tiền Hải có thể coi là khu nuôi ngao, nuôi tôm, cá thì đúng hơn. Những khu ao, đầm nuôi ngao, tôm, cá mọc lên san sát chạy dọc theo bờ biển kín mít từng mét đất nên không biết KBT thực chất nằm ở chỗ nào? Phía trong có “thiên môn trận” các bãi nuôi trồng thủy sản lấn chiếm ra, phía ngoài là khu du lịch với lèo tèo vài căn nhà tranh tre nứa lá cùng rặng phi lao lấn chiếm khiến dải rừng ngập mặn mỏng manh của KBT không khác gì một cái bờ ruộng phân chia giữa hai gia đình tham lam, nhà nào cũng tranh thủ vạc một ít khiến khu rừng ngập mặn giờ còn lại nhỏ nhoi không khác gì một dải phân cách chia làn đường cao tốc.

 
 Khu du lịch được xây dựng trong vùng lõi của Khu bảo tồn

Vấn nạn phá rừng ngập mặn nuôi ngao, nuôi tôm như ông Đinh Văn Cao, Phó Giám đốc KBTTN Tiền Hải nhận định “hiện đã đến lúc cần rung hồi chuông báo động”. Ông Cao cho biết, khoảng vài năm trở lại đây, nghề nuôi ngao, nuôi tôm phát triển một cách chóng mặt. Sau mỗi vụ “trúng quả” thu về cả tỷ đồng lợi nhuận bà con ngư dân ven biển thi nhau phá rừng ngập mặn nuôi ngao, nuôi tôm với ước vọng đổi đời. Để mở rộng diện tích, họ sẵn sàng hạ gục không thương tiếc những cây sú, vẹt để lấy chỗ cho con ngao sinh sôi phát triển.

Đáng nói nhất là khu vực nào đã dính vào nuôi ngao thì rừng ngập mặn sẽ không thể phục hồi được nữa. Bởi môi trường thuận lợi nhất để con ngao phát triển là bùn cát nên người dân đã bơm cát vào các khu đầm lầy để lấy mặt bằng. Và một khi đã có cát thì có nghĩa là không có sú, vẹt mọc. Nếu có mọc được thì chỉ cần nhú khỏi mặt đất đã bị con hà biển bám chặt cho đến chết.

Chính vì vậy nên từ nhiều năm nay, dẫu cho thiên nhiên ban tặng phù sa bồi đắp giúp mở rộng diện tích đất liền cho tỉnh Thái Bình nhờ dòng sông Hồng, khu rừng ngập mặn ven biển ở KBTTN Tiền Hải cứ tỉ lệ nghịch mà mòn đi theo năm tháng trong sự bất lực của cơ quan quản lý.

Không chỉ việc phát triển du lịch, xây dựng các khu đầm nuôi tôm, quây bãi nuôi ngao gây ảnh hưởng đến sự lưu trú của các loài chim trời… Hiện nay, những tiếng súng hoa cải cũng đang “nở rộ” như mùa xuân nơi đây, hạ gục biết bao sinh mạng loài chim hoang dã vô tội. Đau đớn hơn, khi biết rừng bị phá, chim bị săn bắt mà cơ quan chức năng sở tại vẫn lực bất tòng tâm không tìm ra hướng giải quyết.


(*) BirdLife International – Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế, là một hiệp hội các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học các loài chim và môi trường sống của chúng, hoạt động ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, BirdLife bắt đầu các hoạt động dự án từ năm 1988. Đến năm 1997, BirdLife là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế đầu tiên được cấp giấy phép mở văn phòng đại diện hợp tác với các cơ quan chính phủ nhằm phát triển hệ thống khu bảo tồn của Việt Nam.