ThienNhien.Net – Cùng với đà tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số, hai cường quốc mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ đang trở thành những nhà phát thải lớn, đóng góp ngày càng nhiều khí thải vào bầu khí quyển Trái đất. Nhưng giữa Trung Quốc và Ấn Độ nước nào mới là mối đe dọa thực sự với môi trường?
Nói đến phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tính đến năm 2007, trung bình mỗi người Mỹ thải 19,8 tấn m2 CO2 /năm; còn mỗi người Trung Quốc phát thải 4,7tấn m2 trong khi người Ấn Độ là 1,2 tấn m2. Tuy nhiên, 40% các mặt hàng tiêu dùng ở Mỹ đều có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm hơn 18% tổng số hàng xuất khẩu của Trung Quốc, và việc sản xuất các mặt hàng này đã thải ra 1/3 lượng khí thải CO2. Và dù mức phát thải khí tính theo đầu người của Trung Quốc thấp hơn Mỹ năm 2007, nhưng các năm gần đâyTrung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nước có tổng lượng khí thải nhà kính lớn nhất. Thêm nữa, Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng phát thải khí thải nhanh nhất thế giới. Năm 2000, Trung Quốc chỉ tiêu thụ 9% năng lượng của thế giới nhưng đến năm 2007 đã vươn tới mức 16%.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng là quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính khá lớn, nhưng nếu so sánh với Trung Quốc thì rõ ràng Ấn Độ vẫn đứng sau. Các số liệu thống kê mới đây cho biết, Ấn Độ đứng vị trí thứ tư, ít hơn 1/3 lượng khí thải so với Trung Quốc. Và tỷ lệ tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ so với toàn cầu chỉ tăng từ 3% lên 4% trong giai đoạn 2000-2007.
Liên quan đến yếu tố dân số, dù số dân Ấn Độ đang tăng nhanh hơn Trung Quốc nhưng sự khác biệt đó gần như không đủ để lấp đầy khoảng cách đang mở rộng giữa hai nước về mức phát thải. Theo một số ước tính, đến năm 2035 hai nước này sẽ có số dân xấp xỉ bằng nhau vào khoảng 1,49 tỉ dân. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm về mức phát thải CO2 nhiều hơn tới 6 lần khí thải so với Ấn Độ. 15 năm sau, nếu Ấn Độ hơn Trung Quốc 191 triệu dân, thì Trung Quốc vẫn sẽ thải ra nhiều hơn 10 tỉ tấn m2 CO2 so với Ấn Độ. Điều khác biệt này tương đương với việc sử dụng thêm 1,9 tỷ xe ôtô trên đường – gấp 3 lần số ôtô đang được sử dụng hiện nay trên thế giới.
Và đương nhiên vấn đề cầp thiết hơn là sức khoẻ môi trường. Ô nhiễm đã làm lây lan dịch bệnh ở nhiều thành phố của Trung Quốc cũng như Ấn Độ, nhưng ở Trung Quốc vấn đề này tồi tệ hơn. Theo một cuộc nghiên cứu năm 2007 của Học viện Blacksmith (Mỹ), Trung Quốc đang sở hữu 6 trong tổng số 30 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới trong khi Ấn Độ chỉ có 4.
Thành phố Linfen đã trở thành một đại diện tiêu biểu về ô nhiễm công nghiệp của Trung Quốc, là một cơn ác mộng về môi trường. Các mỏ than không được kiểm soát, các nhà máy thép và nhà máy lọc dầu đã làm cho hơn nửa số giếng nước trong thành phố bị ô nhiễm không thể sử dụng, tỷ lệ mắc ung thư cao hơn mức trung bình.
Còn Ấn Độ, mặc dù không bị ô nhiễm nặng như Trung Quốc nhưng tình trạng này cũng không kém nghiêm trọng. Số lượng ôtô đã tăng 20% mỗi năm vì vậy chính phủ Ấn Độ đã phải thiết lập các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu sạch để giảm ô nhiễm ngay từ đầu năm 2010.
Tuy nhiên, với cùng bối cảnh môi trường bị huỷ hoại ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc đã phản ứng tốt hơn Ấn Độ đối với ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Trung Quốc đầu tư lớn vào nhiên liệu sạch khi tăng công suất năng lượng gió lên gấp 20 lần từ năm 2003 đến năm 2008 và dự định sẽ nâng lên gấp 8 lần nữa đến năm 2020. Còn Ấn Độ lại không có đủ kinh phí để thực hiện những dự án như vậy vì GDP của Ấn Độ chỉ bằng một nửa GDP Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng chậm hơn với 6,4% năm 2009 so với 8,7% của Trung Quốc.
Hiện các nhà kinh tế đang theo dõi sát sao các chính sách môi trường của cả hai cường quốc đang nổi này vì đây là hai quốc gia tiêu biểu có thể kiểm định học thuyết đường cong Kuznet về môi trường vốn đang gây tranh cãi. Học thuyết này phản ánh mối tương quan giữa thu nhập đầu người và mức độ hủy hoại môi trường, với giả định rằng khi thu nhập đầu người tăng thì môi trường sẽ đồng thời được cải thiện.