ThienNhien.Net – Những người dân xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) đã đứng ra thành lập câu lạc bộ chăn nuôi rồi tiến tới thành lập hợp tác xã chăn nuôi, biến ước mơ làm giàu của người dân nơi đây thành sự thật cũng như đưa Cổ Đông thành một trong những khu vực chăn nuôi lợn lớn ở miền Bắc hiện nay.
Thành lập từ năm 2001, ban đầu mới chỉ có 6 hộ làm trang trại chăn nuôi gà tham gia nhưng sự ra đời của Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi đã giúp cho công việc làm ăn của các hội viên phát đạt hơn trước.
Các hội viên thu lãi lớn và mở rộng trang trại quy mô lớn hơn, điều này đã thổi bùng lên phong trào chăn nuôi rầm rộ ở Cổ Đông. Có nhiều hộ gia đình đã đầu tư vào chăn nuôi và được CLB giúp đỡ về con giống, kĩ thuật, đầu ra, kinh nghiệm chăn nuôi… Vì vậy chỉ sau một năm CLB thu hút được hơn 30 hộ có trang trại chăn nuôi lợn, gà tham gia.
Đến năm 2006 do hiệu quả tích cực của CLB, UBND xã Cổ Đông đã cho thành lập Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Cổ Đông. HTX có nhiệm vụ đứng ra bảo vệ quyền lợi của hội viên, ký kết các hợp đồng chăn nuôi, tìm thị trường đầu ra…
Với sự năng động và đoàn kết của các hội viên trong HTX cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương, nên dù trải qua nhiều dịch bệnh như H5N1, dịch tai xanh… CLB chăn nuôi của Cổ Đông – Sơn Tây vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển thành trọng điểm cung cấp lượng thịt lớn cho Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc.
Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông Trần Văn Chiến cho biết, hiện HTX đã thu hút được 150 hội viên với 275 trang trại tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Sơn Tây… Trong đó, xã viên ở Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) chiếm hơn 2/3.
Mỗi hộ xã viên sẽ đăng kí liên kết sản xuất với một công ty chế biến thực phẩm nhất định để đảm bảo nguồn hàng ổn định. 70% trong số đó là nuôi lợn hợp đồng với Công ty Charoen Pokhan (Thái Lan), số khác thì chăn nuôi gà gia công cho Công ty Đức Nghĩa và Indo VietNam… Số còn lại là chăn nuôi lợn thương phẩm bán cho các lò giết mổ ở Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên…
Hằng năm, HTX cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn tấn thực phẩm sạch, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân 2 – 3 triệu đồng/người/tháng, thu nhập của mỗi xã viên khoảng 300 – 400 triệu đồng/năm.
Không dừng lại đó, HTX đã và đang đẩy mạnh chăn nuôi cá sấu, lợn rừng, nhím… Đây là những đặc sản có hiệu quả kinh tế cao lại ít bị bệnh dịch cũng như sự thất thường của thị trường, là hướng đi mũi nhọn được kì vọng cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai của HTX.