ThienNhien.Net – Hòa đồng, nương tựa vào thiên nhiên để tồn tại là phương thức sống của con người từ ngàn đời nay. Lối sống thuận theo tự nhiên đó đã gắn bó với người Việt trong suốt tiến trình lịch sử. Vậy mà, hiện nay, vì cái lợi trước mắt, không ít người, không ít cơ sở kinh doanh, dịch vụ liều lĩnh phá hủy môi trường sống của chính mình, liều lĩnh tàn phá giết hại rừng. Có đến ngàn lẻ một lý do để phá rừng: phá rừng để làm thủy điện, kinh tế; phá rừng để phát triển cơ sở dịch vụ kinh doanh; phá rừng để đào mỏ, khai thác lậu khoáng sản; phá rừng để làm nương rẫy, thậm chí phá rừng về những nhu cầu quá thực dụng như: chặt gỗ để làm thớt, đốt rừng để lấy than hoa… hay chỉ để thỏa mãn những thú vui kiểu “đại gia”.
Những tưởng quanh năm, rừng đã bị “xẻ” thịt, Tết đến, xuân về, rừng sẽ được bình yên. Vậy mà, dường như các khu rừng, đặc biệt những khu rừng nguyên sinh, đầu nguồn… lại càng bị tàn phá thê thảm hơn bởi những “thú chơi” của con người – nhất là các “đại gia”.
Để thỏa mãn “thú chơi”, đẳng cấp chơi cây cảnh; để phô phang sự giàu sang phú quý của mình và hy vọng năm mới sẽ thu được “lộc nhiều như vừng”, nhiều đại gia đã đặt mua những gốc lộc vừng trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Lộc vừng dạng cổ thụ vốn sống ở trong rừng sâu, để bứng và vận chuyển được những gốc lộc vừng cổ thụ đó về đặt trong tiền sảnh không ít diện tích rừng đã bị đốn hạ.
Cùng với lộc vừng, thú chơi phong lan rừng cũng là nỗi đe dọa kinh hoàng với rừng mỗi độ xuân về. Ở những vùng rừng già, dân đổ xô lấy phong lan. Hoa phong lan thường có ở những vùng sâu, núi thẳm. Những giò phong lan đẹp thường sống ở trên những cành cây cao. Muốn lấy được hoa, người ta bắt buộc phải chặt hạ cả cây cổ thụ xuống.
Thêm nữa, những năm gần đây, dân các thành phố, đặc biệt là dân Hà Nội rất chuộng đào rừng. Cây đào phải to, xù xì, nhiều cành nhánh… mới là “biết chơi”. Cứ gần Tết, từng đoàn xe tải lại rùng rùng kéo nhau lên vùng rừng Tây Bắc, Việt Bắc chở cả rừng đào về Hà Nội. Những cây đào này cũng sống trong rừng sâu, để chặt bứng được cả cây đào to, người ta phải “dọn” cả một khu vực rộng, lại phải chặt cây mở đường để chở đào ra.
Bởi thế, cứ mỗi mùa xuân đến, lại bao nhiêu khu rừng vô tội bị chặt phá tan hoang, tàn lụi đến thê thảm….