ThienNhien.Net – Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giống cam mới Cara cara không hạt, có xuất xứ từ vùng Valencia của Venezuela, đã được trồng thử nghiệm thành công. Đây là giống cam có năng suất chất lượng hàng đầu thế giới, lần đầu có mặt tại Việt Nam, cho quả sau ba năm trồng.
Giống cam Cara cara thích hợp với khí hậu ấm từ 23-29 độ C, đất cát có độ sâu 1m và vùng đất chặt thoát nước tốt, độ PH từ 6 – 6,5. Quả tương đối to, không hạt, thu hoạch quanh năm, chiều cao cây trưởng thành khoảng 3-4m, đường kính tán trên dưới 4m, tuổi thọ của cây từ 40-50 năm.
Cây cho thu hoạch lứa đầu khoảng 60-85 quả/cây. Quả cam có dạng hình cầu dài, rốn quả hơi lồi do có một quả phụ nhỏ bên trong đuôi quả, vỏ cam có màu vàng sáng nom rất bắt mắt, dễ bóc vỏ, dễ tách múi, hương vị dễ chịu, vị ngọt có hàm lượng axít ít hơn các giống cam nội địa, đặc biệt ruột và nước của nó có màu đỏ thẫm.
Đây là loại cam đỏ duy nhất trên thế giới cho phẩm màu lycopene có thể được dùng như một chất chống gây bệnh ung thư phổi, bệnh suy tim và tập trung vào việc diệt các mô ung thư trong cơ thể con người. Loại cam này còn cho chất carotenoid rất tốt cho việc ăn kiêng cân đối…
Đặc điểm quan trọng nữa là cam Cara cara ra hoa quả quanh năm, không tạo sức ép về thời vụ thu hoạch. Năng suất ở năm thứ tư sau khi trồng đạt 8 tấn/ha, với giá bán như hiện nay từ 50.000-70.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập 160 triệu đồng/ha, từ năm thứ năm trở đi năng suất thu hoạch sẽ đạt 15-20 tấn/ha, cho thu nhập cao gấp 2-2,5 lần so với năm thứ tư.
Qua hơn ba tháng trồng thử nghiệm (từ tháng 09/2010) tại Trại thực nghiệm Kỹ thuật Rau hoa quả thuộc vùng đất dốc tụ xã Kim Long, Tam Dương và hộ ông Dương Văn Cát thuộc vùng đất đồi núi thôn Thắng Lợi, xã Đồng Thịnh, Sông Lô, hiện nay 300 cây cam Cara cara đang phát triển mạnh, đạt chiều cao trung bình của cây từ 60-62cm, cao hơn giống cam đối chứng Valencia và cam sành từ 9-10cm, đường kính cây cam Cara cara là 1,2cm to hơn 0,1-0,2cm so với hai giống đối chứng.
Bình quân mỗi cây có khoảng 3-4 cành cấp 1, có chiều cao là 13cm, đường kính cành là 0,5cm. Về tình hình sâu bệnh ở giai đoạn đầu của giống cam Cara cara chống chịu với sâu bệnh tốt, không kén đất, phù hợp với điều kiện tự nhiên khí hậu của tỉnh.
Thành công này, sẽ tạo điều kiện cho người làm vườn Vĩnh Phúc tiếp cận với giống cam mới, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân ở khu vực nông thôn.