Thủy điện trên dòng chính Mê Kông: Nên kiên quyết ngay từ đầu

ThienNhien.Net – "Nếu chúng ta triển khai một dự án mà chưa có đánh giá nào đối với toàn bộ 12 dự án thủy điện dự kiến trên dòng chính sông Mê Kông thì quyết định đó là vô trách nhiệm" – theo Ts. Jeremy Carew-Raid, người đứng đầu nhóm thực hiện Đánh giá môi trường chiến lược đập thuỷ điện trên dòng chính Mê Kông.

Việc khởi động lại ý tưởng phát triển chuỗi 12 con đập trên dòng chính Mê Kông vài năm trở lại đây đã vấp phải luồng ý kiến phản đối mạnh mẽ của nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động môi trường khu vực và quốc tế, xuất phát từ lo ngại nó sẽ phá hủy hệ sinh thái sông Mê Kông và các giá trị vật chất, tinh thần lớn lao mà dòng sông mang lại cho hàng chục triệu dân cư trong lưu vực.

Chỉ trích của dư luận và báo chí càng được thổi bùng khi tháng 9/2010, chính phủ Lào thông báo với Ủy hội sông Mê Kông quốc tế về kế hoạch xây dựng đập thủy điện Xayabury và nhận được sự hậu thuẫn của Ủy hội này. Sự kiện này diễn ra khi Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế chưa công bố báo cáo cuối cùng đánh giá môi truờng chiến lược  về tác động của xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông (SEA), và những người quan tâm đều nắm rõ rằng tinh thần của bản báo cáo (tuy chưa được chính thức phát ra) khuyến nghị nên trì hoãn việc xây dựng các con đập này ít nhất một thập kỷ nữa.

Nằm tại thung lũng ở phía Bắc của cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, đập Xayaburi sẽ là đập hiện đại nhất trong số mười một con đập(*) đang được lên kế hoạch xây dựng trên dòng chính tại hạ lưu sông Mekong. Nếu được xây dựng, con đập sẽ gây ra những thay đổi về mặt sinh thái vĩnh viễn không thể đảo ngược cho sông Mê Kông – dòng sông đang nuôi sống hàng triệu người – buộc tái định cư 2.100 người và ảnh hưởng trực tiếp tới 202.000 người, đồng thời đẩy những loài sinh vật đang bị đe dọa nghiêm trọng, như cá tra khổng lồ sông Mê Kông, đến chỗ tuyệt chủng.

– Theo International River –

Có ý kiến nhận xét rằng việc chấp thuận cho xây dựng Xayaburi chẳng khác nào “ký giấy thông hành” cho các con đập còn lại, chứ không phải để thử nghiệm, vừa làm – vừa rút kinh nghiệm như người ta vẫn biện hộ. Tại Chương trình đối thoại chính sách Phát triển đập thuỷ điện trên sông Mê-kông và thách thức đối với Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 7/11/2010, TS. Jeremy Carew-Raid, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Quản lý môi trường (ICEM, Australia), người đứng đầu nhóm thực hiện SEA phát biểu:”Nếu chúng ta triển khai một dự án mà chưa có đánh giá nào đối với toàn bộ 12 dự án thủy điện dự kiến trên dòng chính sông Mê Kông thì quyết định đó là vô trách nhiệm”.

Sáng ngày 15/01/2010, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo lấy ý kiến tham vấn các cơ quan quản lý môi trường và các nhà khoa học Đồng bằng sông Cửu Long về đề nghị xây dựng đập thủy điện Xayaburi của chính phủ Lào trên dòng chính sông Mê Kông.

Tại cuộc hội thảo do Ủy hội sông Mê Kông quốc tế phối hợp với Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức này, đa số đại biểu đều ủng hộ và đề xuất cho phương án thứ nhất trong số bốn lựa chọn mà bản báo cáo SEA đã đưa ra, nghĩa là “không thực hiện dự án thủy điện nào trên dòng chính sông Mê Kông”.

Một vài ý kiến ủng hộ phương án hai (cũng là phương án đề xuất của nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo SEA) rằng nên trì hoãn việc cân nhắc tiếp tục hay không tiếp tục 12 dự án này lại ít nhất 10 năm để có thêm thời gian nghiên cứu các tác động một cách đầy đủ.

Đáng chú ý, đại diện của Đại học Cần Thơ đã có bài trình bày thể hiện quan điểm khá cụ thể khuyến nghị chính phủ nên ủng hộ phương án thứ nhất, và nếu bắt buộc phải theo phương án thứ hai thì cần can thiệp không để cho các doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư, đồng thời giữ quan điểm Việt Nam không mua điện từ các công trình thủy điện này. Quan điểm này đã được nhiều đại biểu tán đồng. Vị đại diện cũng cho biết Đại học Cần Thơ cam kết với nguồn lực, bề dày kinh nghiệm ở ĐBSCL sẽ tham gia tích cực để xây dựng SEA cho riêng VN.

Việt Nam nên có đánh giá môi trường chiến lược riêng – đây là nguyện vọng của nhiều đại biểu tham gia hội thảo bởi “chỉ có như vậy chúng ta mới có thể đối thoại và đàm phán với các nước láng giềng dựa trên những căn cứ khoa học“. Các ý kiến này cho rằng Bộ Tài nguyên Môi trường cần sớm đề xuất với chính phủ đầu tư kinh phí và tổ chức các nhà khoa học thực hiện báo cáo này, trong đó cần thu hút sự tham gia của cả những nhà quản lý vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Thái Lai hứa sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến thành văn bản, lấy ý kiến UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành trước khi trình lên chính phủ.

Theo thông tin từ văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, một hội thảo tham vấn nữa lấy ý kiến các tổ chức xã hội dân sự sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 2 năm 2011.



(*) Nhiều tài liệu dẫn số liệu 11 con đập vì chưa bổ sung đập Thakho