ThienNhien.Net – Sau một thời gian tạm lắng, trong mấy ngày gần đây, tình trạng khai thác tài nguyên cát, sỏi dưới lòng sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi) lại tái diễn với quy mô và tốc độ chóng mặt.
Chỉ riêng ở khúc sông chảy qua địa phận giữa thành phố Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh (dài khoảng hơn 2km) đã xuất hiện nhiều phương tiện từ thô sơ đến hiện đại tham gia khai thác cát và sỏi phục vụ xây dựng với mức độ dày đặc. Hàng chục phương tiện máy đào hiện đại có công suất lớn cùng hàng trăm phương tiện vận tải đêm ngày hối hả khai thác cát, biến sông Trà Khúc thành một bãi chiến trường.
Tại bến cát Trà Khúc 2, nằm gần chân cầu Trà Khúc thuộc địa phận thị trấn Sơn Tịnh (huyện Sơn Tịnh), đã hình thành một điểm khai thác cát với quy mô cực lớn. Nhiều chiếc xe chuyên dụng lội ra giữa lòng sông để nạo vét, trung bình mỗi ngày có đến hơn một trăm lượt chuyến xe ra vào bến lấy cát. Nếu tính bình quân mỗi xe chở 10m3 thì mỗi ngày lòng sông Trà Khúc tại bãi khai thác cát này đã bị khoét đến hơn 1.000m3 cát.
Cách điểm khai thác cát Trà Khúc 2 là bãi tập kết sạn (sỏi). Hàng nghìn m3 sạn đã được những cỗ máy bơm cát tự chế neo giữa lòng sông, dùng vòi bơm sục xuống đáy sông để bơm lên cả cát và sạn. Sau khi tẩy sạch cát, lượng sỏi khai thác được chuyển lên những chiếc xuồng đậu sẵn để đưa về bãi tập kết trước khi các đầu nậu đến xác định khối lượng và chuyển đi.
Không ai biết đích xác mỗi ngày các phương tiện khai thác cát và sỏi trên sông Trà Khúc đã khai thác bao nhiêu nghìn m3 cát, sỏi dưới lòng sông này. Và cũng không ai biết, trong số lượng tài nguyên bị lấy đi ấy, Nhà nước thu được bao nhiêu tiền thuế tài nguyên.
Song điều ai cũng nhận thấy là việc khai thác cát dưới lòng sông Trà Khúc đã khiến lòng sông ngày càng sâu hơn, lượng nước chảy xiết hơn trong mùa mưa lũ và nhanh khô cạn trong mùa nắng nóng. Đặc biệt vào mùa lũ lụt hàng năm, dòng nước chảy đã bị uốn gây xói lở nghiêm trọng hai bên bờ sông làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân sinh sống tại đây.
Trước tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sống Trà Khúc, các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đã nhiều lần lên tiếng và các cấp chính quyền cũng đã có biện pháp can thiệp để ngăn chặn, tuy nhiên các biện pháp ngăn chặn chỉ có tính chất đối phó với dư luận và phản ứng của người dân địa phương và sau đó không lâu, nạn khai thác cát, sỏi lại tái diễn.