Mảng xám Dehli

ThienNhien.Net – Nổi tiếng khắp thế giới nhờ nét đẹp cổ kính của những công trình kiến trúc tài hoa và quan trọng bậc nhất Ấn Độ nhưng thủ phủ Dehli cũng được nhắc đến nhiều “nhờ” vấn nạn ô nhiễm môi trường. Khó có thể biết được khi nào thành phố này trở nên “xanh” hơn bởi nạn ô nhiễm vẫn thường trực mọi mơi, mọi lúc, dù ít nhiều các giải pháp đã được chính quyền nỗ lực thực hiện.

Khoảnh khắc thanh bình hiếm thấy trên đường phố Dehli
Con đường Mehravli-Badarpur sẽ yên bình và trở nên trong lành nếu hàng ngày không có quá nhiều dòng người cùng hàng ngàn lượt phương tiện qua lại.
Những hàng cây bên vệ đường cũng sẽ được “mặc” những chiếc áo xanh hơn thay vì chiếc áo cũ bị nhuốm màu bụi phủ.
Giao thông dường như vẫn là trở ngại lớn nhất của Dehli cũng như Ấn Độ bởi sức tăng dân số của đất nước này luôn tỉ lệ thuận với lượng phương tiện đi lại.
Từ 2007, chính quyền thành phố đã thực hiện kế hoạch loại trừ hàng loạt xe buýt cũ nhằm giảm áp lực ô nhiễm và ách tắc giao thông nhưng biện pháp này vẫn chưa đủ thể cải thiện đáng kể chất lượng không khí Dehli. Bằng chứng là năm 2010, thành phố này tiếp tục lọt vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Theo một tài liệu mới đây của Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE), Ấn Độ, mỗi năm Dehli “thu nạp” thêm 200.000 phương tiện giao thông mới. Dự kiến, đến năm 2015, con số này sẽ tăng lên hơn 3,8 triệu, gấp gần 10 lần so với năm 1978.
Cùng với khói bụi, rác cũng được xả khắp nơi, dọc phố…
                                                                
Hình ảnh người lao công, vì thế càng trở nên bé nhỏ trước lượng rác khổng lồ được xả ra mỗi ngày.
Rất nhiều điểm trên vỉa hè bất đắc dĩ bị biến thành “nhà vệ sinh công cộng”, ngay tại bến xe buýt, chốn đông người và cả những nơi dành cho việc tập kết rác thải.
Và cũng không khó để tận mục sở thị hàng loạt những rãnh nước thải, rác thải nằm dọc ngang các con phố.

Cùng với giao thông, rác và nước thải ở Dehli cũng không kém phần nan giải bởi có đến 50% cư dân thành phố vẫn đang vứt rác trực tiếp ra đường phố và những nơi công cộng. Rất nhiều kênh lớn trên địa bàn trở thành ao tù và nơi chứa rác.
Vậy nhưng, nhiều địa điểm gần những nơi tập kết rác lại trở thành nơi trú chân của hàng trăm nghìn người thuộc tầng lớp nghèo và người vô gia cư. Với họ, những thứ tưởng chừng như rác rưởi lại trở thành kế sinh nhai kiếm sống qua ngày. Không có rác đồng nghĩa với việc họ bị bỏ đói.
Có nhiều hơn 1 khẩu hiệu và 3 đường dây nóng được “thiết lập” dọc đường Mehravli-Badarpur nhằm kêu gọi người dân gìn giữ môi trường nhưng cách đó chỉ mấy bước chân là hàng loạt các chất thải bẩn và rác nghiễm nhiên được xả.
Điều đáng buồn là không chỉ riêng Mehravli-Badarpur, không chỉ Dehli mà rất nhiều thành phố và làng quê của Ấn Độ cũng trong tình trạng quá tải ô nhiễm. Nỗ lực gìn giữ môi trường của chính quyền và các tổ chức xã hội dường như chưa thể lấp đầy lỗ hổng của sự phát triển chóng vánh về kinh tế, dân số và sự quá tải về giao thông.
Dehli sẽ đẹp hơn nếu giữ được màu xanh và môi trường sạch.