Nham nhở Khu bảo tồn (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Nhiều năm nay trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn tình trạng người dân địa phương vào đào đãi vàng trái phép vẫn tiếp diễn. Điều đáng nói là những kẻ vi phạm dám ngang nhiên mang máy móc vào đào hang, khoét núi tìm vàng…thách thức cả ban quản lý lẫn lực lượng bảo vệ rừng.

Bãi vàng giữa ruột khu bảo tồn


Những ngày đông cuối năm Canh Dần trời buốt giá mà rừng Kim Hỷ vẫn tưng bừng nóng. Đoàn kiểm tra chỉ vừa mới rút đi vài bữa, nước trong các suối, khe còn chưa kịp trong trở lại, dân đã lại tấp nập kéo nhau trở lại vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn, mang theo các thể loại máy móc dụng cụ thô sơ đào đãi vàng.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Khu bảo tồn lắc đầu bảo đoàn kiểm tra mới càn quét hôm đầu tháng 12, nghĩa là cách có chưa đầy hai tuần lễ, thu dỡ, phá bỏ khoảng gần 30 máy nổ, máy bơm nước cùng nhiều lán trại. Vậy mà chẳng ăn thua. Đoàn đi khỏi, dân khai thác trộm lại lóp ngóp chui ra, lều lán lại mọc lên như nấm.

“Nếu các chú muốn vào bãi vàng tôi sẽ cho người dẫn đi, có rất nhiều đường vào đó nhưng phải leo trèo trên núi đá rất khó đi, hầu hết người khai thác vàng trái phép đều hoạt động trong các lũng”, ông Dũng cho biết.

Sau hơn 30 phút chạy xe máy trên con đường đang rải đá cấp phối, chúng tôi theo chân nhóm kiểm lâm vào thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, nơi vàng tặc đang lộng hành mạnh mẽ. Thôn Kim Vân nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn, ngay đầu thôn là một tấm biển cấm, ghi các nội quy của Khu bảo tồn dựng ngay cạnh ngã ba.

 
 Con suối Tốc Lù màu nước lúc nào cũng đỏ ngầu, đặc quánh do nạn khai thác vàng gây nên


Mới qua tấm biển cấm được một đoạn, ven đường xuất hiện rất nhiều thùng phi đựng dầu, nhớt bày bán công khai. Một người đàn ông với vẻ mặt hầm hố nói vội điện thoại vài câu bằng tiếng địa phương rồi lên xe máy phóng vù ra ngoài thôn mất hút. Điệu bộ ấy chúng tôi đã quen, như vậy là tín hiệu báo kẻ lạ xâm nhập đã được phát vào vùng khai thác.  Các anh kiểm lâm bảo ở đây không có sóng di động nên họ toàn dùng điện thoại bàn, ngay tại bãi vàng cũng có điện thoại bàn.

Chúng tôi vượt qua một con suối đỏ ngầu bùn đất. Suối chỉ chảy qua đây một đoạn rồi đổ vào một cái hang biến mất nên người dân nơi đây đặt tên suối là Tốc Lù, tiếng địa phương nghĩa là nước rơi xuống lỗ. Xung quanh suối nhan nhản các máy nổ dùng để bơm nước lên các hang đào vàng trên núi.

Lúc này đã nghe tiếng máy nổ, máy bơm nước ầm ầm vọng lại. Lên giữa lưng chừng núi, chúng tôi hướng ánh mắt nhìn chung quanh đâu đâu cũng là lán của dân đào vàng tự phát. Cả một vùng cây cối bị san phẳng, chỉ còn lưa thưa ít cây cổ thụ chưa bị sờ tới, còn lại những cây gỗ bình thường đã bị biến thành lều lán hay bậc thang lên xuống hầm vàng. Ngay dưới chân núi có một cái ao, được biết cái ao này là do một doanh nghiệp khai thác vàng trước đây bỏ lại.

Theo quan sát của chúng tôi thì trong một diện tích khoảng gần chục hecta có tới cả trăm lán tạm bợ, bên cạnh mỗi lán là từng đống đất đá xếp chồng chất. Hệ thống ống nước chạy ngoằn nghèo dẫn vào thung lũng nơi đặt tập trung các máy bơm nước.

 
Khi thấy kiểm lâm xuất hiện “vàng tặc” nhanh chóng tháo máy nổ khiêng ra khỏi bãi vàng



Chúng tôi ghé thăm một lán nhỏ, trong có ba “phu” tuổi chừng 15, 16. Thấy các chú kiểm lâm, các phu nhí sợ sệt. Một cậu bé người Dao lí nhí cho biết cậu vốn là người xã Phát Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, mới vào làm thuê được vài ngày. Ở đây, cậu được giao nhiệm vụ trông coi máy bơm dùng để bơm nước từ dưới suối lên núi phục vụ các phu vàng trên đó đào đãi, mỗi ngày được trả công hơn 50 nghìn đồng.

Ở cái tuổi đáng ra phải được cắp sách đến trường nhưng nhiều cậu bé cũng giống như X., cậu bé người Dao chúng tôi gặp, đã sớm lao vào các bãi vàng theo cha chú kiếm tiền. Hàng ngày, họ sinh hoạt bằng nguồn nước tại chỗ, nơi bùn đất bị chính họ khuấy tung đỏ ngầu. Đa số phu vàng là người dân tại chỗ, cũng có một số khác từ các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang kéo sang.