Nữ kỹ sư chế tạo máy biến áp 500KV đầu tiên

ThienNhien.Net – Lần lượt lập những “kỷ lục” trong việc chế tạo máy biến áp: 110kV, 220kV và gần đây nhất là chiếc máy biến áp 500kV đầu tiên của khu vực Đông Nam Á, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt (Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh (EEMC), trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam) đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và là một trong những đại biểu xuất sắc của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vừa qua.

Năm 1975, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, chị Nguyễn Thị Nguyệt về công tác tại phòng Thiết kế Nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh – Hà Nội, nay là Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh.

Mong ước của chị là ngày càng nhiều “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, được sử dụng những sản phẩm do chính Việt Nam sản xuất với chất lượng không thua kém hàng nhập ngoại nhưng giá lại rẻ hơn nhiều lần, không thể mãi sử dụng, nhập khẩu các sản phẩm cơ khí điện lực của nước ngoài.

Từ đó, năm 2002, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã nghiên cứu chế tạo thành công máy biến áp 110KV, đặt nền móng cho công nghệ chế tạo máy biến áp có công suất lớn ở Việt Nam mà trước đó đều phải nhập khẩu. Đây cũng là lần đầu tiên ngành điện Việt Nam thiết kế thành công máy biến áp (MBA) 110kV.

Đến năm 2003, chị tiếp tục triển khai đề tài khoa học cấp Nhà nước nghiên cứu thiết kế chế tạo MBA 220kV, loại máy biến áp chính trong hệ thống lưới điện quốc gia. Trải qua nhiều tháng tự mày mò nghiên cứu với biết bao khó khăn, có lúc tưởng chừng chị phải buông xuôi bởi MBA 220kV có độ chính xác, phức tạp và khối lượng cũng lớn hơn rất nhiều so với loại 110kV.

Tuy nhiên, chiếc MBA 220kV đầu tiên của Việt Nam và cũng là của cả khu vực Đông Nam Á với các tiêu chí kỹ thuật, mỹ thuật đều đạt tiêu chuẩn quốc tế đã ra đời trong sự khâm phục của đồng nghiệp trong nước và quốc tế.

MBA 110kV và 220kV đã được vận hành rộng rãi, an toàn tại nhiều địa phương trong cả nước, chất lượng tương đương máy nhập khẩu mà giá thành và chi phí giảm khoảng 20%.

Năm 2005, chị đảm nhiệm thành công việc sửa chữa sự cố máy biến áp 500kV của Nhà máy Thủy điện Ialy, công việc mà trước đây chỉ có các kỹ sư nước ngoài mới thực hiện được. Thành công trong việc sửa chữa máy biến áp 500kV đã tạo động lực thúc đẩy chị chế tạo MBA 500kV bởi hiện trên thế giới chỉ có một số nước chế tạo được MBA 500kV nên giá thành nhập khẩu rất cao.


Máy biến áp 500 kV. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Ước vọng của chị tưởng chừng rất xa vời bởi ngay cả ở những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh trong khu vực cũng chưa chế tạo được. Tuy nhiên, với quyết tâm và nỗ lực của bản thân, cùng sự hỗ trợ của ban lãnh đạo cùng tập thể kỹ sư, cán bộ công nhân viên EEMC, sau gần 3 năm triển khai, MBA 500kV đầu tiên của Việt Nam cũng như tại Đông Nam Á đã được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công.

Ngày 07/10/2010 vừa qua, tại Đông Anh – Hà Nội, tổ máy đầu tiên của công trình chế tạo MBA 500kV tại Việt Nam của Công ty EEMC đã hoàn thành và được tổ chức gắn biển chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Thành công đó cùng với sự đóng góp không nhỏ của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã tiếp tục đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của ngành điện Việt Nam bởi nó không chỉ có ý nghĩa thuần túy về mặt kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế và khả năng hội nhập của ngành điện nước ta với thế giới.

Người phụ nữ sở hữu rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật ấy đến nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn không ngừng trăn trở, mong được tiếp tục cống hiến cho ngành điện, cho đất nước. Chị chia sẻ: “dù khó khăn đến mấy, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chị sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không phân vân, không lựa chọn, làm hết sức mình để mang lại nguồn lợi cho quốc gia, dân tộc.”.