ThienNhien.Net – “Trung Quốc còn tự bắn vào chân mình chừng nào cách quản lý dòng sông của Trung Quốc còn gây lo ngại cho các quốc gia hạ nguồn và thu hút những ngờ vực không đáng có chỉ vì thiếu cởi mở thông tin” – giáo sư Tần Cối nhận xét về cách ứng xử của Trung Quốc với dòng Mê Kông.
Thành thật với Mê Kông (Kỳ 1)
Trung Quốc và hai lời buộc tội
Nếu chứng minh được rằng các đập nước của Trung Quốc đã chặn dòng chảy vào mùa khô, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải hứng chịu một làn sóng chỉ trích. Tuy nhiên, rất có thể Trung Quốc sẽ nhận được lòng biết ơn của người dân hạ lưu ở những điều kiện nhất định.
Việc đánh giá tác động của hồ chứa là vô cùng phức tạp. Không chỉ bởi vì có nhiều cách để vận hành một con đập, mà còn vì một con đập có thể gây ra những hậu quả khác nhau cho các nhánh sông khác nhau. Trung Quốc và các quốc gia hạ nguồn có thể có những lợi ích cạnh tranh, song bản thân giữa các quốc gia này cũng có những xung đột về lợi ích.
Chẳng hạn, trận lũ năm 2008 trên các lưu vực của Viêng Chăn (Lào) và hạn hán vùng phía bắc sông Mê Kông đều được cho là do các hồ chứa của Trung Quốc làm mực nước sông biến động, khiến đỉnh lũ cao hơn vào mùa lũ và khô hạn hơn vào mùa khô.
Tuy nhiên, ở Campuchia tôi lại được nghe một câu chuyện khác. Nơi ấy, có hồ Tonlé Sap, được mệnh danh là đất lúa, đất cá nhờ vào những thay đổi theo mùa của mực nước sông Mê Kông. Vào mùa lũ, nước chảy về từ các chi lưu làm đầy hồ và khiến con sông mở rộng hơn. Lũ mang những dòng phù sa màu mỡ bồi đắp và nuôi dưỡng cho cây lúa và đưa luồng cá di cư ngược dòng đẻ trứng. Mùa khô đến, nước lại đổ trở lại dòng Mê Kông, hồ “co lại”, người dân địa phương rời thuyền đi thu lượm những con cá mắc lại và thu hoạch lúa. Lối sống truyền thống “bán sông nước” này và hệ sinh thái theo mùa độc đáo nơi đây đều dựa vào sự lên xuống của dòng chảy Mê Kông. Không giống những người sống bên bờ sông nước Lào, người dân nơi đây rất lo nước lũ sẽ không đến hoặc dòng sông vẫn dâng đầy vào mùa khô. Ở đây, người dân đã phàn nàn rằng độ chênh lệch mực nước sông giữa hai mùa là quá nhỏ – nước hồ dâng lên chưa đủ để nuôi dưỡng khắp các cánh đồng lúa, trong khi mực nước mùa khô lại quá cao khiến mùa màng thất bát.
Ngoài tác động đến luồng di cư khiến cá không còn dồi dào như trước, sự biến động này còn tác động đến đất trồng lúa. Người dân địa phương kiếm ăn chật vật hơn và cả lối sống của họ cùng hệ sinh thái đều đang bị đe dọa. Một số người đổ lỗi cho các hồ chứa của Trung Quốc, buộc tội Trung Quốc đã ngăn dòng nước lũ và xả nước vào mùa khô.
Tôi từng phân trần với những người Campuchia tôi gặp rằng tôi không biết các hồ chứa của Trung Quốc thực sự làm gì và vì vậy cũng không biết liệu chúng có đáng bị buộc tội hay không. Nhưng tôi có thể chắc chắn một điều là những lời buộc tội này mâu thuẫn với những gì tôi nghe được từ Lào. Như vậy, cả hai lời buộc tội đều có thể đúng, nhưng cả hai không thể cùng đúng.
Nếu Trung Quốc chịu trách nhiệm về những vấn đề ở Thái Lan và Lào, thì chúng ta cần nhìn vào sự thay đổi lượng mưa và dòng chảy của bản thân các chi lưu như Sê Kông (Lào) và Tonlé Sap để tìm câu trả lời cho những thiên tai này. Chúng không thể can hệ tới Trung Quốc.
Cũng có thể là cả hai vấn đề mà Trung Quốc bị buộc tội lại do những thay đổi ở địa phương và các hồ chứa của Trung Quốc vô can. Nhưng để có một kết luận rõ ràng, nhất thiết phải có một cuộc điều tra về chế độ thủy văn của cả khu vực và dữ liệu vận hành các đập của Trung Quốc.
Công không ai biết, tội chẳng ai hay
Giả sử đúng là các hồ chứa của Trung Quốc là thủ phạm gây nên sự biến đổi mực nước sông, thì trong cả hai trường hợp đều có những mặt tích cực và tiêu cực. Và, để cho công bằng thì Trung Quốc cùng với những lời chỉ trích lẽ ra cũng phải được nghe những lời cảm ơn.
Nếu Lào và Thái Lan phàn nàn về những biến đổi khắc nghiệt hơn, thì Campuchia nên cám ơn Trung Quốc. Và ngược lại. Nhưng chúng ta lại chỉ được nghe những lời buộc tội. Phải chăng đó rốt cuộc là mối thành kiến với Trung Quốc?
Bản thân tôi tin rằng vấn đề xuất phát từ những lý lẽ khăng khăng của Trung Quốc cho rằng mình “không gây ảnh hưởng” tới hạ nguồn. Điều này có nghĩa là bất cứ ai hưởng lợi từ các dự án trên thượng nguồn của Trung Quốc cũng sẽ thấy không cần cảm ơn Trung Quốc, trong khi những người gặp tai họa cũng không chấp nhận những lý lẽ của Trung Quốc khi không được cung cấp bằng chứng.
Các quốc gia hạ nguồn có bằng chứng cho những lời buộc tội của mình không? Không! Bởi Trung Quốc không công bố dữ liệu về những gì thực sự xảy ra tại các hồ chứa có thể giúp đánh giá một cách khách quan những tác động từ đó. Như vậy, nếu khô hạn xảy ra, các nước hạ lưu dễ dàng kết luận rằng mình đang bị lừa dối.
Chẳng hạn, ai cũng rõ là khô hạn tự nhiên cũng có vai trò nhất định khi dòng Mê Kông cạn nước. Song các hồ chứa của Trung Quốc đã phản ứng ra sao với tình trạng khô hạn? Các nhà chức trách từ chối tiết lộ. Biết đâu Trung Quốc lại xứng đáng với những lời cảm ơn vì xả nước (ngay cả khi hạn hán đã nghiêm trọng đến mức hành động này không giúp gì được). Và nếu Trung Quốc quả đã chặn dòng nước thì rồi sau này làm sao có thể chối tội. Nhưng khi từ chối tiết lộ thông tin, Trung Quốc hoặc đã làm mất đi những lời tri ân mà mình xứng đáng được hưởng từ Campuchia, hoặc đã thất bại trong việc cung cấp những bằng chứng cần thiết để lật lại những buộc tội từ Thái Lan và Lào.
Sự lảng tránh của chính quyền Trung Quốc về hoạt động của các hồ chứa đồng nghĩa với việc sẽ không ai hay biết nếu Trung Quốc đang làm một việc tốt. Song việc này không giúp Trung Quốc che giấu bất cứ tổn hại nào mà Trung Quốc gây ra và sẽ bị nghi ngờ vì những thiệt hại mà Trung Quốc không hề gây ra. Vậy rốt cuộc đó là kiểu chiến thuật gì?
Với Trung Quốc, ngoại giao là lĩnh vực quan trọng tới mức không thể tranh luận công khai và đón nhận dư luận. Nhưng nếu Trung Quốc áp dụng quan điểm này ở nước ngoài với niềm tin rằng chỉ cần thuyết phục các quan chức chính phủ mà có thể phớt lờ hoặc lừa dối dư luận, thì kết quả sẽ rất đáng tiếc.