ThienNhien.Net – Nhờ làm tốt công tác xã hội hoá việc thu gom và xử lý rác thải nên thành phố Huế đang là 1 trong 10 đô thị sạch nhất của cả nước do Hiệp hội các đô thị Việt Nam bình chọn.
Kết quả bình chọn này dựa trên các tiêu chí: có nhiều sáng kiến làm sạch đô thị, toàn dân không vứt rác ra đường, tỉ lệ thu gom rác thải đạt 80% khối lượng trở lên/ ngày, hè phố được lát gạch hoặc bê tông hoá đạt tỉ lệ từ 70% trở lên…
Được biết Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế đã phối hợp với các xã, phường tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định; đặt thêm 180 thùng rác trên các tuyến phố trung tâm.
Công ty đã tính toán xây dựng kế hoạch, lộ trình hợp lý cho từng tổ đội, cá nhân để thu gom và vận chuyển hết lượng rác thải trên 377 km đường phố với tổng lượng rác thải khoảng 4.258 m3/ngày đêm; đồng thời quản lý và vận hành 247,3 km đường điện chiếu sáng, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện.
Cụ thể, xã Phú Hải (huyện Phú Vang) đã vận động nhân dân đóng góp 15.000 đồng/hộ/tháng để tổ chức các tổ thu gom rác thải. Rác sau khi thu gom khoảng 17 m3/ngày, xã hợp đồng với Ban quản lý vệ sinh môi trường cứ 2-3 ngày/lần chở đến địa điểm xử lý. Bên cạnh đó, Phú Hải nâng cao nhận thức cho người dân bằng việc trồng thêm nhiều cây xanh, vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, rác được thu gom và phân loại ngay từ đầu, bỏ đúng nơi quy định. Các hộ có chế biến hải sản, nước mắm không để nước thải ra môi trường. Khu chăn nuôi gia súc, gia cầm có hầm chứa phân, có nắp đậy, không để ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Đối với các hộ dân vạn đò sống trên sông và trên đầm phá, các địa phương đã bố trí sọt rác trên từng phương tiện. Hiện phường Phú Bình (thành phố Huế) cũng tích cực triển khai chương trình vệ sinh môi trường, đặt sọt rác cho các hộ sống trên thuyền, vài ba ngày có người đi thu gom.
Nếu mô hình này được nhân rộng và trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên thì tình trạng ô nhiễm cho các con sông ở Thừa Thiên – Huế sẽ được cải thiện rất nhiều. Thừa Thiên – Huế phấn đấu đến năm 2015 nguồn thu phí vệ sinh môi trường do dân đóng góp đảm bảo 15% nguồn chi phí chung cho công tác xử lý vệ sinh môi trường, tăng 5% so với hiện nay.