ThienNhien.Net – Năm 2010, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá cao, ước tăng 4% (vượt 0,4% so với kế hoạch được giao). Đây là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2006 – 2010 với bình quân cả giai đoạn là 3%.
Đánh giá nhiệm vụ công tác ngành lâm nghiệp năm 2010 và 5 năm (giai đoạn 2006 – 2010), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát cho rằng, trong năm qua mặc dù có những khó khăn, thách thức lớn nhưng ngành lâm nghiệp đã vượt qua và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển, tăng trưởng chung của toàn ngành NNPTNT; hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao và thực hiện thành công Nghị quyết 73/2006/NQ11 của Quốc hội.
Việt Nam là một trong ít nước có độ che phủ rừng tăng
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, các tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam là một trong ít nước có độ che phủ rừng tăng và được chọn là 1 trong 9 nước được tham gia chương trình giảm phát thải gây hiệu ứng khí nhà kính (REDD) thông qua quản lý bảo vệ rừng của Liên Hợp Quốc.
Những thành công trên của ngành lâm nghiệp được dẫn chứng bằng những con số cụ thể như tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2010 ước đạt 3,55 tỷ USD bằng 118% kế hoạch, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2009 và cao hơn mức tăng bình quân hàng năm của cả giai đoạn 2006 – 2010 là 11%, cùng gạo và thủy sản là 3 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng vẫn tiếp tục tăng, từ 37,7% năm 2006 lên gần 40% năm 2010.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết của số 73/2006/NQ-QH11 của Quốc hội, trong giai đoạn (2006 – 2010) cả nước trồng mới được trên 1,1 triệu ha rừng, đạt 114% kế hoạch; trồng rừng sản xuất được trên 860 nghìn ha, đạt 115% kế hoạch. Diện tích bảo vệ rừng đạt trên 2,5 triệu ha, đạt 167% kế hoạch. Như vậy, đến hết năm 2010 hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
Mặt khác, nhận thức về rừng của toàn xã hội được nâng cao, quan điểm xã hội hóa về bảo vệ rừng đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Số vụ vi phạm các quy định về công tác quản lý bảo vệ rừng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2009; tổng số vụ vi phạm đã xử lý là trên 26 ngàn vụ, đạt trên 84%.
Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp- Bộ NNPTNT cũng chỉ rõ những hạn chế của ngành trong thời gian qua, đó là chất lượng rừng tự nhiên thấp, trong số 3,36 triệu ha rừng tự nhiên thì rừng sản xuất chỉ còn 0,65 triệu ha (chiếm 19%), rừng nghèo và rừng non 2,71 triệu ha (chiếm 81%).
Trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ về lâm nghiệp theo Nghị quyết 30a, mặc dù đã có hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn nhưng một số địa phương còn lúng túng, do vậy, đến nay các huyện trong diện 30a vẫn chưa giao khoán hết diện tích bảo vệ rừng cho các hộ gia đình và cá nhân.
Ngoài ra, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương trở thành các điểm nóng. Tình trạng phá rừng trái pháp luật, chống người thi hành công vụ còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương gây bức xúc trong xã hội.
Theo ông Hà Công Tuấn Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, nguyên nhân chính do hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa đồng bộ, còn chồng chéo, năng lực của các địa phương còn hạn chế. Chính quyền cơ sở nhiều nơi còn thiếu kiên quyết và chưa có những biện pháp và chế tài đủ mạnh để ngăn chặn phá rừng, gây cháy rừng. Lực lượng kiểm lâm địa phương còn mỏng, cơ sở vật chất cho công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng còn nhiều hạn chế…
Phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả
Sang năm 2011, ngành lâm nghiệp xác định mục tiêu phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các hoạt động lâm nghiệp nhằm tăng đóng góp của ngành vào phát triển kinh tế xã hội đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân làm nghề rừng, nâng cao năng lực phòng hộ, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học cũng như cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và biến đổi khí hậu.
Cụ thể, phấn đấu đạt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp là 4,2%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 3,8 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 40%; khoán bảo vệ rừng trên 2,2 triệu ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng là 400 nghìn ha (trong đó khoanh nuôi mới là 50 nghìn ha); trồng mới 200 nghìn ha, trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 36 nghìn ha, trồng rừng sản xuất 164 nghìn ha.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương trong năm 2011 và các giai đoạn tiếp theo cần đấu tranh quyết liệt hơn nữa với tình trạng phá rừng, “rút ruột” rừng; siết chặt trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền cơ sở và kiểm lâm, phát triển rừng một cách bền vững. Đồng thời tập trung rà soát lại các phương án phòng chống cháy rừng, chuẩn bị sẵn sàng chữa cháy kịp thời.