ThienNhien.Net – Tại buổi tổng kết năm 2010 của ngành Thủy lợi chiều 28/12, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã xác định nhiệm vụ ưu tiên của ngành trong những năm tới là đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi ở vùng khó khăn.
Trong 5 năm qua (2006-2010), hệ thống công trình thủy lợi đã tăng năng lực tưới thêm 450 nghìn ha, tăng năng lực tiêu cho 243 nghìn ha đất nông nghiệp; tăng năng lực ngăn mặn 192 nghìn ha.
Năm 2010, ngành Thủy lợi đã bảo đảm nước tưới cho 6,92 triệu ha đất trồng lúa, 1,5 triệu ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày; thực hiện tiêu thoát nước cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp. Các công trình thủy lợi còn góp phần ngăn mặn cho 0,87 triệu ha đất nông nghiệp, cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha, duy trì 5,65 tỷ m3 nước cấp nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp…
Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi, tổng hợp tình hình hạn hán, úng ngập và chỉ đạo các biện pháp phòng chống khắc phục. Từ đầu năm, đã tham mưu trình Chính phủ hỗ trợ 5 đợt kinh phí chống hạn cho các địa phương. Đồng thời, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều tiết năng lượng xả qua phát điện từ hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang để tiến hành 4 đợt xả nước cung cấp đủ nước tới cho 630 nghìn ha vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân.
Tuy nhiên, theo đánh giá tổng kết của Tổng cục Thủy lợi, trong năm qua, thủy lợi vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của các đô thị lớn: 5 tỉnh, thành phố lớn đang bị ngập lụt nặng do ngập triều (bao gồm TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau, Hải Phòng, Vĩnh Long); thành phố Huế và các đô thị khu vực Trung Bộ úng ngập do lũ. TP.Hà Nội và các đô thị vùng đồng bằng sông Hồng úng ngập nặng do mưa.
Qúa trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và nuôi trồng thủy sản làm thay đổi diện tích và cơ cấu sử dụng đất tạo ra những yêu cầu mới đối với công tác thủy lợi. Nhu cầu cấp nước sinh hoạt ở nông thôn, đô thị, nhu cầu tiêu thoát tại nhiều khu vực tăng lên nhanh chóng nhưng hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng kịp.
Các công trình phòng chống giảm nhẹ thiên tai mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn một số bất cập. Một số hệ thống thủy lợi có hiệu quả thấp do vốn đầu tư hạn chế nên xây dựng thiếu hoàn chỉnh, đồng bộ. Nhiều công trình chưa được tu bổ, sửa chữa kịp thời nên bị xuống cấp, thiếu an toàn…
Năm 2011, Tổng cục Thủy lợi sẽ xây dựng kế hoạch bảo đảm tưới cho 95% diện tích trồng lúa, 1,7 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, duy trì tiêu thoát nước cho 1,75 triệu ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cung cấp nước công nghiệp và đời sống dân sinh…
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, Tổng cục Thủy lợi ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi ở những vùng khó khăn như miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc…; tập trung tu bổ các tuyến đê tại những địa bàn thực sự nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của dân; tiếp tục chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ, nâng cấp các tuyến đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh – Quảng Nam và từ Quảng Ngãi – Kiên Giang.