ThienNhien.Net – Cơ chế phát triển sạch (CDM) dưới Nghị định thư Kyoto từng chịu không ít nghi ngờ và phê phán về ý nghĩa thực sự của nó đối với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Ở một góc nhìn hẹp hơn, nhà báo điều tra kỳ cựu Mark Schapiro đã chỉ ra những lỗ hổng và nghịch lý của cơ chế này thông qua thị trường tín chỉ khí thải hfc. Theo đó, cơ chế này đã giúp Trung Quốc kiếm bộn tiền nhờ bán tín chỉ khí thải, song đồng thời lại khuyến khích việc sản xuất thêm nhiều chất làm lạnh độc hại hfc để tuồn vào thị trường chợ đen. Xin được giới thiệu với bạn đọc ý kiến gây nhiều tranh luận được đăng tải trên <i>360 Yale Enviroment </i> tháng 12 này.
Các nhà lập pháp Châu Âu rốt cuộc đã nhận thấy chiến lược mà họ áp dụng để chống lại biến đổi khí hậu vô hình trung lại đang hỗ trợ cho nền kinh tế Trung Quốc – đối thủ cạnh tranh lớn của họ và nước Mỹ. Lỗ hổng được rò thấy nằm trong Cơ chế Phát triển sạch của Liên hiệp quốc (CDM), mà cụ thể là ở tín dụng khí thải hfc.
Theo cơ chế này, các công ty Châu Âu, đối tượng buộc phải cắt giảm khí thải theo Nghị định thư Kyoto, đã chi rất nhiều tiền dưới dạng thẻ tín dụng khí thải để Trung Quốc tiêu hủy khí nhà kính triflouromethane hay còn gọi là hfc23, một phụ phẩm của quá trình sản xuất chất làm lạnh công nghiệp đã bị cấm ở các nước phát triển và đang dần bị hạn chế sử dụng ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, xem ra tín dụng hfc không giúp gì cho việc giảm loại khí thải độc hại này mà chỉ làm đầy hầu bao của Trung Quốc.
Người tiêu dùng Châu Âu bị lạm dụng
Hiện có tới hơn một nửa thẻ tín dụng khí thải trong tổng số 474 triệu tấn của Châu Âu được dùng để đền bù cho các công ty ở Trung Quốc và các nước khác nhằm tiêu hủy chất hfc23.
Các công ty lớn ở Đức, Anh, Phần Lan, Italy và Nhật Bản cũng như một số công ty của Mỹ hoạt động tại Châu Âu dựa chủ yếu vào các thẻ tín dụng đền bù này để tiếp tục được quyền phát thải. Các tổ chức tài chính lớn của Mỹ như Goldman Sachs, Citibank và JP Morgan Chase cũng sở hữu đáng kể thẻ tín dụng hfc.
Tuy nhiên, mức giá chi cho các thẻ tín dụng để Trung Quốc tiêu hủy chất hfc 23 được Châu Âu cho là đã bị thổi phồng lên tới 70 lần. Và trớ trêu ở chỗ là hàng trăm triệu USD thuế từ nguồn này đang tạo cho Trung Quốc lợi thế để chống lại chính ngành công nghiệp “xanh” của Châu Âu.
“Người tiêu dùng Châu Âu đã bỏ ra hàng tỷ Euro để mua về thứ chỉ đáng giá chưa tới 100 triệu euro. Một số người đã trở nên rất giàu nhờ lỗ hổng trong Cơ chế phát triển sạch của chúng ta” – Theodoros Skylakakis, một nghị sĩ Châu Âu, người đã cùng với nghị sĩ Gerbrandy yêu cầu Ủy ban Châu Âu thắt chặt quy định quản lý đền bù chất thải hfc23 trong Hệ thống thương mại Châu Âu, phát biểu.
Hai tổ chức hoạt động phi lợi nhuận của Châu Âu là Tổ chức Giám sát CDM (CDM Watch) có trụ sở tại Đức và Cơ quan Điều tra Môi trường (Enviromental Investigations Agency –EIA) có trụ sở ở Anh đã châm ngòi cho cuộc tranh luận về tín dụng hfc vào mùa hè năm ngoái khi họ khẳng định rằng các công ty Châu Âu đang trả một mức giá đã bị thổi phồng lên rất nhiều cho các thẻ tín dụng khí thải. Theo họ, mức giá 15USD/tấn, là quá cao so với chi phí thực tế để tiêu hủy loại khí này chỉ vào khoảng 20cent/1 tấn ở Trung Quốc và Ấn Độ. Như vậy, đã có hơn một tỷ USD bị “trả hớ” cho thẻ tín dụng carbon.
Từ những kết luận này, Ủy ban Châu Âu đã được đề nghị mở một cuộc điều tra về “tổng số tiền mà người tiêu dùng Châu Âu bị lạm dụng” trong hệ thống bù đắp carbon mà Liên hiệp quốc triển khai.
Cơ chế đền bù khí thải lại làm tăng khí thải
Các thẻ tín dụng đền bù cho các công ty Trung Quốc và Ấn Độ để tiêu hủy hfc23, theo CDM Watch, trên thực tế đã thúc đẩy việc sản xuất các chất làm lạnh phá hủy tầng ozon hcfc22, chất mà bản thân đã là một loại khí thải nhà kính độc hại.
Theo đánh giá của CDM Watch, các công ty Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng đáng kể sản lượng hcfc22 để nhận được hỗ trợ tiêu hủy sản phẩm phụ của nó – chất hfc23. Chỉ một bài toán đơn giản cũng có thể lý giải điều này: giá một tấn hcfc22 dao động từ 1000 đến 2000USD, trong khi chỉ 1 tấn hcfc22 cũng có thể tạo ra khoảng 5000 đến 6000USD nhờ tín chỉ CDM đền bù hfc23, theo EIA .
“Thật là oái oăm khi các công ty kiếm được bộn tiền nhờ sản xuất loại khí này sau đó lại được nhận tiền để tiêu hủy nó. (Gerben-Jan Gerbrandy, nghị sĩ Nghị viện Châu Âu) |
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc cho thấy, từ năm 2004 đến 2009 sản xuất chất làm lạnh hcfc22 đã tăng từ 11 triệu tấn lên 28 triệu tấn, song song với cuộc cách mạng đền bù khí thải vốn có mục tiêu tiêu hủy phụ phẩm của nó – hfc23.
Thực tế oái oăm này đã khiến chất làm lạnh bất hợp pháp có giá rẻ hơn nhiều lần so với các chất làm lạnh không phá hủy tầng ozon và là nguyên nhân khiến nguồn cung dồi dào chất hcfc được dịp tung hoành trong thị trường chợ đen tại Mỹ.
Các điều tra của EPA và Cục Hải quan – Biên phòng Hoa Kỳ trong các năm qua đã vạch trần nhiều vụ buôn lậu chất làm lạnh phá hủy tầng ozon hcfc22 vào Mỹ để bán cho các công ty vận tải, các siêu thị, cửa hàng tự động và các đối tượng sử dụng khí làm lạnh quy mô lớn khác.
Có thể thấy đường đi của thị trường chợ đen này thật lắt léo: từ các khu công nghiệp của Trung Quốc, các thẻ tín dụng khí thải sẽ đến Châu Âu, nơi cần chúng để tiếp tục được quyền phát thải; trong khi các chất khí nhà kính phá hủy tầng ozon, là nguồn tạo ra những thẻ tín dụng này, lại chảy về các công ty Mỹ đang tìm kiếm chất làm lạnh giá rẻ.
Theo nhận định của Thomas Land, người từng tham gia điều phối các nỗ lực ngoại giao và thực thi Nghị định thư Montreal hiện đang làm việc cho Văn phòng Đàm phán quốc tế của EPA, thực tế này đang khiến Nghị định Kyoto và Montreal “đụng đầu” nhau.
Châu Âu làm lợi cho đối thủ cạnh tranh
Mối quan ngại của Châu Âu về loại tín dụng hfc đã trở thành đề tài tranh luận gay gắt tại Hội nghị biến đổi khí hậu tại Cancun khi Liên hiệp quốc nỗ lực bảo vệ sự chính đáng của thị trường carbon toàn cầu. Và Trung Quốc, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, hiện đang nằm ở trung tâm của cuộc tranh luận khi sở hữu tới 2/3 trong số tín dụng đền bù 474 triệu tấn khí thải.
Nghĩa là cứ có 1USD đi vào thị trường carbon toàn cầu thì có tới 60 cent rơi vào túi Trung Quốc và 50 trong số 60 cent ấy dành để tiêu hủy các chất hfc. Trong số 19 nhà máy sản xuất chất làm lạnh nhận tín dụng thông qua CDM thì có tới 11 nhà máy ở Trung Quốc, chiếm 80% tín dụng hfc (số còn lại gồm 5 dự án ở Ấn Độ, 1 ở Hàn Quốc, 1 Mêhicô và 1 ở Áchentina). Mà các công ty Châu Âu đã rót hơn một tỷ USD vào các dự án của Trung Quốc để tiêu hủy các chất hfc.
Bản thân hcfc22 cũng là chất thay thế chất chlorofluorocarbons đã bị cấm sử dụng ở Châu Âu và chỉ được bán ở Mỹ một lượng nhỏ với giấy phép từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA). Các nước đang phát triển sẽ hạn chế hcfc22 dần dần trước khi ngừng hoàn toàn vào năm 2030, theo Nghị định thư Montreal. |
Và với lợi nhuận kếch xù từ các thẻ tín dụng khí thải hfc, chính phủ Trung Quốc đã áp thuế 65% đối với nguồn doanh thu này. Trong vòng 5 năm gần đây, lượng thuế doanh thu ước tính ít nhất khoảng 650 triệu USD này đã chảy vào Quỹ CDM thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lại không có nghĩa vụ công bố cách thức sử dụng và phân bổ nguồn thu của Quỹ CDM này. Tháng 10 năm nay, theo website của Quỹ, thì không có nguồn chi nào từ quỹ này. Trong khi đó, nếu có thì hàng trăm triệu USD từ quỹ này sẽ dành phần lớn cho việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo vốn đang chiếm vị trí đứng đầu thế giới của Trung Quốc. Điều này lại tạo ra một nghịch lý khác.
”Chúng ta đang cung cấp nguồn hỗ trợ phi lý cho những công nghệ năng lượng tái tạo đã gần đứng đầu thị trường toàn cầu của Trung Quốc. Nói cách khác, chúng ta đang hỗ trợ cho đối thủ cạnh tranh của chúng ta và Mỹ” – Nghị sĩ Gerbrandy nói về nghịch lý này.
CDM của Liên hiệp quốc liệu có vững vàng?
Cuối tháng 11 vừa qua, CDM Watch và EIA đã gửi ý kiến phản biện của mình tới Ban Điều hành Công ước Khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu. Câu hỏi trọng tâm, theo giám đốc chương trình CDM Watch, bà Eva Filzmoser, là liệu tín dụng khí thải hfc vốn rất quan trọng trong hệ thống lưu trữ và thương mại carbon (cap-and-trade) dưới Nghị định thư Kyoto, có thực sự giúp giảm khí thải?
“Khoảng cách giữa giá cả tín chỉ hfc và cái giá thực sự của việc tiêu hủy loại khí này cho thấy chúng ta có một lượng lớn tiền không được sử dụng vào việc giảm khí thải một cách thiết thực”, bà nói.
Ý kiến này đã khiến Liên hiệp quốc lâm vào tình thế khó xử. Cơ quan này không có quyền hủy bỏ các thẻ tín dụng trước đây, mặc dù tính chính đáng của chúng đang bị đặt nghi vấn. Bởi lẽ, việc đánh giá lại giá trị pháp lý của các thẻ tín dụng vốn có trị giá ít nhất là ½ tổng vốn đền bù carbon hiện nay có thể tạo ra một phản ứng dây chuyền thách thức cơ cấu và tính toàn vẹn của thị trường carbon toàn cầu.
Tháng 11 vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất để Hệ thống Thương mại Châu Âu (ETS) không chấp nhận tín chỉ hfc kể từ năm 2013. Đề xuất này đang chờ Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Bộ trưởng Châu Âu thông qua. Nếu được phê chuẩn, nó có thể đưa Liên Hiệp quốc vào một thế bí khác: Làm thế nào để đánh giá giá trị thực sự của các thẻ tín dụng khí thải đã có trên thị trường? Và làm thế nào tiếp tục duy trì thị trường carbon khi mà ETS – thị trường tín dụng khí thải lớn nhất thế giới tính đến nay – sẽ từ chối tiếp nhận nó trong 3 năm tới?
Cuộc tranh luận về các chất hfc đã trở thành tâm điểm của cuộc đàm phán về khí hậu tại Cancun cuối tháng trước. Chen Huan, phó giám đốc Quỹ CDM của Trung Quốc đã lên án những nỗ lực nhằm giảm sử dụng thẻ tín dụng hfc là “thiếu trách nhiệm”, đồng thời công kích các tính toán mà họ cho rằng “đáng ngờ” và thiếu dữ liệu. Ông còn đe dọa rằng ngành công nghiệp Trung Quốc có thể phát thải khí hfc một cách thiếu kiểm soát từ chính phủ nếu các chương trình hỗ trợ bị gián đoạn.
Đáp lại, EIA và CDM Watch cáo buộc Trung Quốc đang nắm giữ “con tin khí hậu” và cho rằng nguồn quỹ lập từ thuế doanh thu hfc “có thể đủ để trang trải cho chi phí thực tế tiêu hủy hfc23 ở Trung Quốc ít nhất trong 50 năm, vượt xa thời hạn mà các chất hcfc bị loại bỏ hoàn toàn theo Nghị định thư Montreal”.
Các quan chức Liên hiệp quốc tuyên bố sẽ cân nhắc vấn đề này trong khi vẫn phát hành các thẻ tín dụng trị giá 20 triệu tấn khác cho một dự án hfc. Và dòng tiền vẫn tiếp tục đổ về quỹ CDM của Trung Quốc, trong khi cơ quan chức năng của Mỹ vẫn phải cảnh giác cao độ với những kẻ buôn lậu khí thải phá hủy tầng ozon.